Sau tiếp xúc sẽ là gì?

(Kinhdoanhnet) - Từ nhiều năm nay, đã thành thông lệ, cứ sau mỗi kỳ họp họp Quốc hội, các đại biểu lại tỏa về các địa phương, thực hiện những cuộc tiếp xúc với cử tri, vừa để báo cáo kết quả kỳ họp, vừa lắng nghe mọi tâm tư, nguyện vọng và yêu cầu của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

Đây là một sinh hoạt chính trị quan trọng, bổ ích, được toàn xã hội đồng tình, ủng hộ. Các đại biểu luôn tỏ rõ trách nhiệm của mình, phản ánh đầy đủ, chính xác những nội dung cùng mọi quyết sách được Quốc hội thông qua đến các cử tri. Nhờ những cuộc tiếp xúc như thế này, người dân cảm thấy gần với Quốc hội hơn, tự ý thức được mọi nội dung Quốc hội bàn thảo thiết thân với cuộc sống của mình. Cũng nhờ hoạt động tiếp xúc với cử tri của các Đại biểu Quốc hội mà những nguyện vọng chính đáng của dân đã chuyển được đến những vị có trách nhiệm cao nhất ở từng lĩnh vực của xã hội, hạn chế được sự quan liêu, xa rời dân của không ít quan chức Nhà nước.

Sau tiếp xúc sẽ là gì? - Ảnh 1
Nhờ những cuộc tiếp xúc cử tri, người dân cảm thấy gần với Quốc hội hơn

Tuy nhiên, qua thực tế của hoạt động này, thấy rõ hiệu quả cuối cùng mới chỉ dừng ở mức dân phát biểu, phản ánh thực tế, bày tỏ mong muốn và các đại biểu lắng nghe, ghi nhận, chuyển đến các nghị trường. Cử tri cả nước đòi hỏi tính hiệu quả cao hơn, thiết thực hơn, có tác dụng cải thiện tình hình, khắc phục yếu kém để thúc đẩy xã hội tiến triển mạnh, nhanh hơn. Nếu tiếp xúc chỉ để tiếp xúc, để thể hiện tính dân chủ của thể chế, thể hiện sự tôn trọng người dân mà mọi ý kiến của dân cuối cùng không được thực thi, biến thành kết quả thiết thực thì cũng không có tác dụng gì. Thực tế cho thấy có những vấn đề luôn nổi cộm suốt nhiều năm, qua nhiều kỳ họp Quốc hội, được cử tri luôn quan tâm hàng đầu, bức xúc mãnh liệt, luôn kiến nghị với những ý kiến rất thành tâm, gan ruột như chống tham nhũng, lãng phí, ngân sách Nhà nước sử dụng kém hiệu quả, nguồn nhân lực chưa được khai thác tốt, sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều, rồi giáo dục, y tế… nhưng hầu như vẫn chưa được giải quyết. Thậm chí, có những tệ nạn còn gia tăng như tham nhũng, lãng phí.

Đối với một số Đại biểu Quốc hội đồng thời là những nhà quản lý hành chính, sự nghiệp thì lắng nghe nguyện vọng của dân là một chuyện, còn chỉ đạo thực thi công việc trong bộ máy mà mình điều hành lại là việc khác. Đã chưa có sự thống nhất giữa việc lắng nghe cử tri một cách thành tâm, thiện chí, đầy tinh thần trách nhiệm với hành động của mình khi trở về cương vị điều hành hàng ngày. Có thể lợi ích cục bộ, thậm chí có cả “lợi ích nhóm” đã chi phối những đại biểu dạng này. Rất nhiều câu hỏi chất vấn của các đại biểu tại Quốc hội khá sắc sảo, bám sát đời sống thực tế đang diễn ra chính là ý nghĩ, nguyện vọng của số đông cử tri. Những vị Bộ trưởng được chất vấn hầu như đều công nhận những đòi hỏi, chất vấn đó mà không có sự phản bác. Họ chỉ hoặc là thanh minh, hoặc là phân tích rõ thêm tình hình và hứa hẹn. Các đại biểu và cử tri cả nước không phải là không ghi nhận, thấy rõ những nỗ lực có khi rất đáng kể của các vị, thấy rõ sự tiến bộ lớn của một số ngành, lĩnh vực. Nhưng đã không ít lời hứa bị chính những người trong cuộc lãng quên. Các Đại biểu Quốc hội và cử tri thì luôn rất nhớ. Vậy nên nhắc lại, phê bình, đòi hỏi các cơ quan hành pháp thực hiện đúng lời hứa và kiến nghị Quốc hội xử lý thích đáng với người không có năng lực khắc phục sai sót, yếu kém là đòi hỏi của người dân dành cho các Đại biểu Quốc hội.

Sau tiếp xúc với cử tri, các đại biểu sẽ theo dõi, giám sát, kiến nghị và theo đuổi kiến nghị của mình đến cùng, đồng thời báo cáo lại với các cử tri những việc mình đã làm có hiệu quả và không hiệu quả. Nên chăng quy trình sẽ là như vậy mới mong hoạt động tiếp xúc thực sự có hiệu quả.

TS Nguyễn Đình San

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục