Tăng tuổi nghỉ hưu: Đối phó dân số già hay tham quyền cố vị?

(Kinhdoanhnet) - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang tính toán đưa đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu vào dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Lao động. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại việc kéo dài tuổi nghỉ hưu với một số đối tượng đang làm quản lý sẽ dễ dẫn tới tình trạng “tham quyền cố vị”.

Ngày 21/9, tại Hội nghị đánh giá 3 năm thi hành Luật Lao động năm 2012, Thứ trưởng Bộ Lao động Phạm Minh Huân cho biết đang lấy ý kiến điều chỉnh nhiều nội dung trong dự thảo sửa đổi, bổ sung bộ luật này để trình Chính phủ vào đầu năm 2017. Trong đó có cân nhắc điều chỉnh điều 187, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu để ứng phó với già hóa dân số, sử dụng tốt nguồn nhân lực và tính đến chuyện "dài hơi" cân đối giữa đóng và hưởng lương hưu.

Tăng tuổi nghỉ hưu: Đối phó dân số già hay tham quyền cố vị? - Ảnh 1
Thứ trưởng Bộ Lao động Phạm Minh Huân

Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết: "Tăng tuổi nghỉ hưu không phải là vấn đề mới. Như cảnh báo của các nhà nghiên cứu, tốc độ già hoá dân số ở nước ta đang tăng rất nhanh, tức tuổi thọ ngày nay tăng lên rất nhiều. Trên thực tế, nguồn lao động của chúng ta, phụ nữ trên 55 tuổi, nam giới trên 60 tuổi, có rất nhiều người có trình độ, năng lực, kinh nghiệm và có thể cống hiến tốt ở các công việc cụ thể".

Trả lời băn khoăn về việc tăng tuổi nghỉ hưu có thể làm mất cơ hội của người lao động trẻ, bởi lẽ, năng suất lao động ở độ tuổi cao sẽ bị suy giảm, Thứ trưởng giải thích: "Một vấn đề bao giờ cũng hai mặt. Mặt thuận lợi là chúng ta có thể sử dụng tốt hơn những người lao động có kinh nghiệm. Nhưng mặt khác, chúng ta phải tính đến yếu tố sức khoẻ, khi tuổi tác nhiều hơn, vấn đề năng suất lao động và đặc biệt là tính đến sự ảnh hưởng đến thị trường lao động, khi có nhiều người đến độ tuổi lao động. Đây chính là những thách thức mà phải tính toán".

Câu chuyện tăng tuổi nghỉ hưu cũng đang khiến nhiều người lao động băn khoăn lo lắng và có không ít ý kiến trái chiều. Nhiều người là lao động trực tiếp cho rằng, đa số người lao động trực tiếp (80 - 90%) thì nữ đến 50 tuổi, nam đến 55 tuổi là làm việc không nổi rồi. Nếu có muốn làm thì chủ cũng kiếm chuyện đuổi vì năng suất giảm, đồng thời những người này không được chủ doanh nghiệp đóng đủ bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu. Với những người lao động gián tiếp, nhiều người đến tuổi này cũng mong muốn được nghỉ ngơi. Họ cho rằng, chỉ có những người ở tuổi này mà có chức vụ lãnh đạo thì mới muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu.

TS Nguyễn Thị Mỹ Hạnh – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu nghề nghiệp cho rằng: Cần căn cứ vào mong muốn, nguyện vọng của mỗi người. Bởi có những người họ không muốn thì không thể bắt buộc. Cần có cách làm phù hợp để đỡ lãng phí một nguồn nhân lực cho xã hội. Bao nhiêu công đào tạo, kiến thức tích lũy… mà nghỉ sớm thì lãng phí.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều ý kiến lo ngại, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu với một số đối tượng đang làm quản lý sẽ dễ dẫn tới tình trạng “tham quyền cố vị”. Trả lời vấn đề này, ông Huân cho rằng phải mở rộng thị trường, phát triển doanh nghiệp tạo nhiều việc làm hơn để giải quyết vấn đề này. 

TS Mỹ Hạnh thì thừa nhận, đó là điều khó tránh. Nhưng từ bản thân thì thấy, những người tâm huyết, đến độ chín muốn ở lại để tiếp tục cống hiến. Hoặc ngược lại, cũng có người ở lại để muốn làm một cái gì đấy cho riêng mình. Cũng có các đối tượng trình độ có giới hạn, dù họ cũng được đào tạo, có đầy đủ bằng cấp nhưng quá trình đào tạo chưa phải là chất lượng, xuất sắc, mà chỉ là cho có đủ bằng cấp. “Những người như vậy mà muốn ở lại thì lại là tham quyền cố vị’ – bà Mỹ Hạnh nói.

Cùng đưa ra “lời giải” cho bài toán “tham quyền cố vị”, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN) cho rằng, Quá trình thực thi sẽ chú trọng vào một lộ trình tăng dần tuổi hưu theo lũy tiến bên cạnh việc thực hiện đồng bộ với nhiều giải pháp có tính thực chất như tinh giảm biên chế, đánh giá và xếp loại cán bộ…của các ngành và doanh nghiệp.

Hiện tuổi nghỉ hưu là nam đủ 60 và nữ đủ 55. Những trường hợp làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm... được nghỉ trước thời hạn.

Theo thống kê của Bộ Lao động, tỷ lệ người cao tuổi Việt Nam đang tăng nhanh, từ 6,9% dân số năm 1979 lên 10,5% hiện nay. Dự kiến đến 2050, Việt Nam có khoảng 10 triệu người cao tuổi. Với chính sách hiện hành thì dự báo tới năm 2050, quỹ lương hưu, tử tuất sẽ bắt đầu mất cân đối và không đủ chi trả các chế độ từ năm 2051.

Ngày 31/10, Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật lao động năm 2012 sẽ được công bố để lấy ý kiến, trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 3, tháng 5/2017 và dự kiến thông qua tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10/2017. 

Thu Trang (TH theo Vietnamnet, Vnexpress, VOV)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục