Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không để lợi ích nhóm chi phối chính sách

(Kinhdoanhnet) - Phát biểu tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 6/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, kiên quyết không để tình trạng lợi ích nhóm chi phối chính sách.

Với quan điểm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, Thủ tướng khẳng định rõ công tác xây dựng thể chế rất quan trọng trong bối cảnh phải xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, nhất là các văn bản thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.

“Với tinh thần tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, chúng ta kiên quyết xóa cho được lợi ích nhóm chi phối chính sách”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không để lợi ích nhóm chi phối chính sách - Ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: Thống Nhất-TTXVN

 

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý không sao chép y nguyên thông tư cũ, điều kiện cũ sang nghị định mới, mà phải nhận thức rõ giải pháp giải phóng sức sản xuất, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, tạo động lực phát triển mới.

Theo Thủ tướng, Nhà nước pháp quyền không có nghĩa là xây dựng thật nhiều văn bản quy phạm pháp luật mà quan trọng là chất lượng văn bản đó như thế nào. Tức là không phải chạy theo số lượng mà là chất lượng văn bản, làm sao tạo cơ chế quản lý tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, tạo động lực phát triển mới, thực hiện cho được mục tiêu phát triển doanh nghiệp thời gian tới.

Hoan nghênh các cơ quan liên quan, nhà đầu tư, doanh nghiệp đã quan tâm, góp ý vào quá trình xây dựng các nghị định hướng dẫn quan trọng này, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp tục tổng hợp, tiếp thu để hoàn thiện các dự thảo.

“Văn bản nào sau này ban hành mà có sai sót, phải sửa đổi thì Bộ trưởng chủ trì phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Khẳng định đây là trách nhiệm nặng nề của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng đề nghị, sau cuộc họp này, nếu còn ý kiến góp ý, các Bộ ngành tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, nhất là các ý kiến từ phía các tổ chức xã hội, các hiệp hội, ngành nghề để hoàn thiện dự thảo, đảm bảo tính thực thi cao của văn bản sau khi được ban hành.

Theo tổng hợp của V ăn phòng Chính phủ về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 và các văn bản thi hành Luật Đầu tư sửa đổi và Luật Doanh nghiệp sửa đổi thì tổng số văn bản cần ban hành là 51 văn bản, số văn bản đã ban hành là 31, số văn bản còn phải ban hành là 30 văn bản.

Trong 30 văn bản này thì 26 văn bản đã trình Thủ tướng Chính phủ. Về cơ bản các bộ, ngành đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng văn bản theo chỉ đạo của Chính phủ.

Thu Trang (TH theo TTXVN, Zing.vn)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục