Thực phẩm bẩn là “quốc nạn”?

(Kinhdoanhnet) - “Thực phẩm bẩn bị coi là vấn nạn là đúng, nhưng với bản thân tôi, tôi cho rằng đây là quốc nạn, bởi hiện nay thực phẩm bẩn không chỉ xuất hiện ở chợ, ở những gánh hàng rong, mà nó đã đi vào cả các siêu thị uy tín – nơi mà rất đông người tiêu dùng gửi gắm niềm tin…”

Đây là khẳng định của ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội tại Tọa đàm trực tuyến “Doanh nghiệp phải làm gì trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn” do báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức sáng ngày 4/5.

Thực phẩm bẩn là “quốc nạn”? - Ảnh 1
Thực phẩm đã bị hư hỏng vẫn được bày bán tại siêu thị (ảnh minh họa)

Theo ông Phú, thực trạng thực phẩm bẩn hiện nay khiến người tiêu dùng rơi vào “ma trận” hàng hóa và không thể phân biệt được đâu là thực phẩm bẩn, đâu là thực phẩm sạch. 

Đồng tình với quan điểm của ông Phú, ông Lê Đức Thịnh, Cục phó Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT, bày tỏ lo ngại vì người tiêu dùng không biết phải phân biệt thực phẩm bẩn và sạch như thế nào: “Thực phẩm bẩn đang là vấn nạn. Chúng ta đi ra khỏi ngõ đã thấy ứng xử của người tiêu dùng với các thực phẩm như: Những bà nội trợ cầm theo thuốc thử, rồi nhà nhà mua máy sục ô zôn. Cũng có ý kiến nói rằng truyền thông thổi phồng lên quá nhưng tôi không tán thành quan điểm này.”

"Theo cá nhân tôi, thực phẩm bẩn đang là vấn nạn. Bộ NN&PTNT nhận thức vấn đề này rất sớm, chính Bộ trưởng NN&PTNN đã từng tuyên chiến vấn đề này đầu tiên ở trên diễn đàn quốc hội. Về mặt nhận thức, phải thấy cơ quan quản lý nhà nước, người dân đều thấy rõ nhưng để phân biệt thì quá khó", ông Thịnh cho biết thêm. 

Tuy nhiên, theo ông Phú, “thực phẩm bẩn là lỗi của cơ quan quản lý nhà nước và chúng ta cần phải nghiêm túc đánh giá để có những giải pháp bảo vệ người tiêu dùng. Theo tôi, vấn đề này không chỉ ảnh hưởng tới tiêu dùng nội địa mà còn ảnh hưởng tới đầu tư, du lịch.”

Quan điểm của ông Phú được ông Lê Văn Hưng, chuyên gia cao cấp Hiệp hội Nông nghiệp Hữu cơ Việt Nam, tán đồng: “Thực phẩm bẩn thực sự là vấn đề đáng báo động không chỉ đối với hàng xuất khẩu mà còn đối với các hàng hóa nội địa. Trong mấy năm qua, Liên minh châu Âu đã trả lại hàng hóa được xuất khẩu từ Việt Nam. Việc này không chỉ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tới uy tín quốc tế. Do đó cần lành mạnh hóa vấn đề này không chỉ đối với sức khỏe người tiêu dùng mà còn đối với hàng xuất khẩu cũng như hàng nội địa.”

Được biết, năm 2014, Việt Nam cũng có tới 130 sản phẩm không được phép xuất khẩu trực tiếp vào EU; 51 lô hàng bị phát hiện chứa hóa chất, kháng sinh quá cao, tăng gấp 7 lần so năm 2013. Cũng từ năm 2014 – 2015 các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đã tuyên bố kiểm tra nhiều mặt hàng xuất khẩu có thương hiệu từ Việt Nam như tôm và cá tra vì nghi ngờ có dư lượng thuốc kháng sinh vượt ngưỡng cho phép tồn dư trong sản phẩm vào thị trường này.

Dương Yến (Theo Dân trí, PLTPHCM)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục