Tổ công tác của Thủ tướng báo cáo kết quả 11 cuộc kiểm tra

(Kinhdoanhnet) - Tổ công tác của Thủ tướng cho biết, trong số hơn 12.000 nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng giao, các bộ, cơ quan, địa phương đã hoàn thành hơn 5.000 nhiệm vụ và còn 139 nhiệm vụ chậm trễ.

Tổ công tác của Thủ tướng báo cáo kết quả 11 cuộc kiểm tra - Ảnh 1
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng phát biểu tại một buổi kiểm tra các bộ, cơ quan, địa phương. - Ảnh: VGP
Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng vừa có báo cáo Chính phủ về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh; kết quả thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và kết quả kiểm tra tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2018.

Theo đó, từ đầu năm tới ngày 30/6, có tổng số 12.295 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương. Trong đó, có 5.058 nhiệm vụ đã hoàn thành, 7.237 nhiệm vụ chưa hoàn thành (gồm 7.098 nhiệm vụ trong hạn và 139 nhiệm vụ quá hạn, chiếm 2,6%, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước).

Tạo chuyển động thực sự


Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong tháng 6, Tổ công tác đã tiến hành kiểm tra Bộ Nội vụ và UBND tỉnh Bắc Ninh.

Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2018, Tổ công tác đã tiến hành 11 cuộc kiểm tra. Trong đó, có 4 cuộc kiểm tra về việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và việc thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng của năm 2018 tại 3 Bộ, địa phương và 1 Tổng công ty nhà nước.

Tổ cũng có 7 cuộc kiểm tra chuyên đề đối với 16 Bộ, cơ quan trong việc cải cách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập và việc rà soát, đơn giản, cắt giảm các điều kiện kinh doanh còn chồng chéo, bất hợp lý, không cần thiết, gây cản trở đến hoạt động kinh doanh, gia nhập thị trường của doanh nghiệp.

Trên cơ sở các kiến nghị của Tổ công tác tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ hàng tháng, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương triển khai thực hiện ngay một số nhiệm vụ để khắc phục, chấn chỉnh những hạn chế, bất cập liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành của bộ, cơ quan, địa phương và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan quan đến cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp mà Tổ công tác đã kiến nghị.

Cụ thể như việc thay đổi chính sách thuế quy định tại khoản 4, Điều 10 Nghị định 134/2016/NĐ-CP; việc áp dụng cho các nhà đầu tư nước ngoài và các trường hợp hạn chế tỷ lệ sở hữu nước ngoài của các doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch tập trung theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 2 Nghị định 60/2015/NĐ-CP.

Cùng với đó là việc thực hiện thống nhất quy định tại Nghị định số 154/2016/NĐ-CP; bất cập của Luật điện ảnh; về chế độ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao; hướng dẫn cụ thể về cơ chế thuê, thuê mua các dịch vụ công và cơ chế đấu thầu quyền quản lý khai thác các công trình công thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao của các địa phương.

Các chính sách khác như đề xuất cơ chế, chính sách cho việc thực hiện thí điểm tập trung, tích tụ đất đai để tháo khỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay cho người dân và doanh nghiệp tham gia tích tụ, tập trung đất đai trong khi chờ sửa đổi, bổ sung Luật đất đai; việc thực hiện thống nhất quy định tại Nghị định số 154/2016/NĐ-CP để tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp thủy sản; việc thực hiện thí điểm xây dựng chính quyền điện tử tại địa phương...

Kết quả kiểm tra của Tổ công tác đem lại hiệu quả rất cụ thể, tạo chuyển động thực sự về kỷ luật, kỷ cương hành chính. Việc thực hiện nhiệm vụ giao được thực hiện nghiêm túc và tiếp tục có chuyển biến tích cực. Trong 6 tháng đầu năm 2018, số nhiệm vụ quá hạn chỉ chiếm 2,5%, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước và giảm 22,5% so với trước khi Tổ công tác được thành lập.

Đặc biệt, các cuộc kiểm tra chuyên đề về cải cách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và việc rà soát, đơn giản, cắt giảm các điều kiện kinh doanh đã tạo hiệu ứng, lan tỏa mạnh mẽ, tích cực đến các Bộ, cơ quan, địa phương.

Đến nay, nhiều bất cập, tồn tại về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã được khắc phục. Cụ thể như đẩy mạnh áp dụng quản lý rủi ro, chuyển mạnh sang hậu kiểm, Bộ Y tế đã chuyển sang hậu kiểm 95% danh mục hàng hóa thuộc lĩnh vực an toàn thực phẩm, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chuyển 279/299 - 93,3% danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành sang hậu kiểm…).

Cùng với đó, đã giảm cơ bản danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành còn chồng chéo. Đẩy mạnh công nhận lẫn nhau, xã hội hóa công tác kiểm tra, kiểm nghiệm (không còn tình trạng độc quyền). Thực hiện cải cách, cắt giảm các thủ tục chồng chéo; hầu hết danh mục hàng hóa được ban hành đã gắn kèm mã số HS....

Hầu hết các Bộ đã xây dựng được phương án đơn giản, cắt giảm các điều kiện kinh doanh còn chồng chéo, bất hợp lý, không cần thiết và đang khẩn trương xây dựng Nghị định sửa nhiều Nghị định liên quan đến điều kiện kinh doanh, với tỷ lệ đơn giản, cắt giảm đạt từ 43% - 55,1%. Bộ Công Thương đã trình Chính phủ ban hành Nghị số 08/2018/NĐ-CP, theo đó 675 điều kiện đã được cắt giảm. Các Bộ: Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa nhiều Nghị định về cắt giảm điều kiện kinh doanh đạt từ 53 - 55%…

Còn tình trạng "điện tử nửa vời"


Tuy nhiên, về tồn tại hạn chế, các bộ, cơ quan, địa phương được kiểm tra chưa có giải pháp tích cực, hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ giao, nhất là các Bộ quản lý, kiểm tra chuyên ngành (13 Bộ) đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và các Bộ, cơ quan (16 Bộ, cơ quan) có ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Sau nhiều cuộc kiểm tra chuyên đề về kiểm tra chuyên ngành với nhiệm vụ giao cụ thể nhưng đến nay, nhiều hạn chế, bất cập liên quan đến hoạt động kiểm tra chuyên ngành chưa được các Bộ khắc phục triệt để. Tỷ lệ cắt giảm danh mục sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành chưa đạt tỷ lệ theo yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mới có 4 Bộ đạt chỉ tiêu cắt giảm từ 50% trở lên gồm: Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng.

Một số danh mục sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành cắt giảm, đơn giản hóa còn mang tính gộp cơ học để giảm về số lượng nhưng thực chất vẫn phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành; còn danh mục hàng hóa đã ban hành nhưng chưa có mã số HS; một số nhóm hàng hóa phải ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn nhưng chưa ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn. Còn tình trạng “điện tử nửa vời” trong việc thực hiện các thủ tục kiểm tra chuyên ngành...

Việc rà soát, đơn giản, cắt giảm các điều kiện kinh doanh triển khai chậm, một số Bộ chưa tích cực. Hầu hết các Bộ đang trong quá trình rà soát, đề xuất phương án. Trong phương án đề xuất đơn giản hóa, cắt giảm, một số Bộ chưa đạt tỷ lệ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng là 50%. Cá biệt có Bộ chưa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án đơn giản, cắt giảm điều kiện kinh doanh và danh mục hàng hóa, thủ tục kiểm tra chuyên ngành…

Việc kiểm tra mới chỉ dừng lại ở mức độ kiểm tra theo đầu việc, tiến độ giao, chưa kiểm tra, đánh giá chất lượng, kết quả thực hiện theo yêu cầu đề ra. Vì vậy, có tình trạng thực hiện nhiệm vụ giao mang tính đối phó, nhất là khi Tổ công tác chuẩn bị tiến hành kiểm tra.

Căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và trên cơ sở kết quả kiểm tra, Tổ công tác kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan, địa phương triển khai ngay một số nhiệm vụ.

Các Bộ, cơ quan, địa phương cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao với tinh thần không để nợ đọng nhiệm vụ, không chờ đến hạn mới xử lý, thực hiện; khi có khó khăn, vướng mắc cần chủ động tìm giải pháp tháo gỡ hoặc thông tin, phản ánh, phối hợp kịp thời với Văn phòng Chính phủ để tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hướng xử lý, giải quyết.

Trong đó, tiếp tục tập trung, ưu tiên cho công tác hoàn thiện thể chế; nghiên cứu, rà soát những vướng mắc tại các luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, của Bộ, ngành mình và của các Bộ, ngành khác có liên quan để phát hiện những quy định bất hợp lý, đặc biệt là những quy định còn là rào cản, gây cản trở đến đầu tư, kinh doanh… chủ động kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời hoặc bãi bỏ theo thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho người dân và doanh nghiệp.

Theo Tổ công tác, Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2018 đã yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng thể chế, pháp luật; khẩn trương hoàn thiện, trình ban hành và ban hành theo thầm quyền các văn bản quy định chi tiết còn nợ đọng và các văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 1/7, không để tiếp tục xảy ra tình trạng nợ đọng.

Tuy nhiên, đến nay số văn bản quy định chi tiết nợ đọng vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Cụ thể, với các luật có hiệu lực từ 01/01/2018, hiện còn nợ 4 nghị định và 6 thông tư. Với các luật có hiệu lực từ ngày 01/7/2018, hiện còn 8 nghị định hướng dẫn và 8 thông tư chưa được ban hành.  


Hà Chính/Báo Chính phủ

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục