Ùn tắc giao thông: Nỗi lo không của riêng ai

(KDPL) - Ùn tắc giao thông (UTGT) không chỉ mối lo ngại của người đi đường, mà còn là nỗi ám ảnh của nhiều du khách khi đến Thủ đô.

Chính phủ,  Bộ Giao thông Vận tải cùng cơ quan chức năng liên quan đã vào cuộc để hạn chế, giảm thiểu tình trạng này. Mặc dù, tình trạng UTGT đã hạn chế được phần nào, tuy nhiên để không còn ùn tắc, không còn kẹt xe nhất vào các khung giờ cao điểm vẫn là thách thức không nhỏ đối với  các cơ quan chức năng.

 Tắc đường từ nhà ra phố

Ghi nhận của chúng tôi ở nhiều tuyến đường của Hà Nội như Điện Biên Phủ, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Kim Mã, Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Trường Trinh, Phạm Ngọc Thạch,... tình trạng UTGT vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt là vào các khung giờ cao điểm. Tại khu vực đang thi công công trình đường sắt trên cao, vì diện tích hai làn đường lưu thông hẹp nên ùn tắc giao thông diễn ra là điều dễ hiểu.

 Ùn tắc giao thông: Nỗi lo không của riêng ai - Ảnh 1
Đường Xuân Thủy, Cầu Giấy ngay trước cổng trường ĐH Sư phạm 1, luôn xảy ra tình trạng UTGT do mặt đường đã bị thu hẹp

Tại tuyến đường Xuân Thủy - Cầu Giấy, việc tắc đường như “cơm bữa”. Cảnh xe máy, ô tô nối đuôi nhau xếp hàng dài trên đường diễn ra phổ biến, cảnh khói bụi, ô nhiễm khí thải diễn ra thường xuyên trên tuyến đường này. Anh Nguyễn Văn Cường, nhà ở mặt đường Xuân Thủy cho biết: “Từ khi có rào chắn thi công,  không những là ùn tắc mà ngay kể cả đến công việc kinh doanh của gia đình cũng bị ảnh hưởng, cứ vào buổi sáng và chiều tối tình trạng UTGT xảy ra, ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của gia đình tôi”.

Bên cạnh đó, vào những giờ tan tầm, tắc đường nhiều, xe máy vì không thể chờ đợi được đã nối đuôi nhau tràn lên vỉa hè để lưu thông. Vỉa hè trở thành đường thay thế mỗi lần ùn tắc giao thông là điều phổ biến ở Hà Nội. Hình ảnh xe máy đi tràn lên vỉa hè không chỉ khiến cho tình trạng giao thông hỗn loạn, làm xấu đi hình ảnh của những người tham giao giao thông mà còn làm cho gạch lát vỉa hè bị vỡ hư hỏng nặng. Dưới cái nắng oi bức của những ngày hè, vào những lúc ùn tắc, dường như các phương tiện giao thông cũng như người đi đường phải “căng mình” chịu nhiệt, nhích xe từng tí một chỉ mong chóng đến được cơ quan, trường học hay về nhà.

 Ùn tắc giao thông: Nỗi lo không của riêng ai - Ảnh 2

Xe máy chạy vào làn ô tô, ô tô chạy vào làn xe máy khiến giao thông hỗn độn là hình ảnh quá quen thuộc của người dân Thủ đô...

Tương tự tại tuyến đường Cầu Diễn - Xuân Thủy, là cửa ngõ phía Tây của Thành phố, đang thi công tuyến đường sắt trên cao, do mặt đường bị thu hẹp, lưu lượng phương tiện tăng cao nên việc di chuyển ở tuyến đường này bất kể là giờ nào cũng bị ùn tắc. Chị Hà, làm việc ở Nhổn cho biết: “Đi đường bị ùn tắc vào trời nắng nóng quả là một cực hình, nhiều người tràn hết vỉa hè để đi, mình đôi lúc cũng thế, dù biết là sai, nhưng sợ muộn giờ đón con nên mình cũng đành vi phạm.” Cũng theo chị Hà thì nguyên nhân của việc tắc đường không chỉ do các công trình đang thi công mà phần nhiều là do ý thức người tham gia giao thông.

Quả thật như vậy. Quan sát ở một số ngã ba, ngã tư, chúng tôi nhận thấy, thực trạng xe máy vượt đèn đỏ diễn ra khá phổ biến, nhất là khi không có cảnh sát giao thông điều tiết. Ngã tư Thụy Khuê - Văn Cao, thay vì phải đi qua vòng xuyến thì nhiều phương tiện cả ô tô lẫn xe máy đều bỏ qua bước này cố ý vi phạm… đó cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ùn tắc thường xuyên diễn ra trên tuyến đường này. Vào những giờ cao điểm, lực lượng CSGT thường phải làm việc hết sức, huy động thêm lực lượng dân quân tự vệ ở phường mới có thể làm cho đoạn thường này thông suốt.

Dọc đường Láng, tại các ngã tư, luôn có lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đứng điều tiết, xử lý vi phạm nhưng vẫn xảy ra nhiều trường hợp cố ý vượt đèn đỏ, rẽ trái không đúng quy định, đi sai làn đường… Ghi nhận của chúng tôi tại đường Nguyễn Tri Phương giao với Điện Biên Phủ, mặc dù ở cuối đường Nguyễn Tri Phương có biển cấm rẽ trái, tuy nhiên tình trạng xe máy rẽ trái xảy ra phổ biến, mặc dù lực lượng CSGT đã nhắc nhở nhiều nhưng vi phạm vẫn tái diễn.

Tương tự ở nhiều tuyến đường, tuy đã có lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố tham gia công tác đảm bảo trật tự giao thông và phân luồng giao thông nhưng cũng chỉ hạn chế phần nào, còn khi mà lực lượng dân phòng đi về thì tình trạng UTGT đâu lại vào đó. Tình trạng xe máy vượt đèn đỏ, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách đánh võng vẫn thường xuyên diễn ra nhất là ở các tuyến đường không có lực lượng CSGT. Mặc dù, thời gian qua lực lượng CSGT cũng như Thanh tra giao thông cũng đã nhiều lần ra quân để nhắc nhở, phạt người dân, tuy nhiên “phạt vẫn phạt, vi phạm vẫn vi phạm” vẫn xảy ra. Không chỉ có những đoạn đường có rào chắn thi công, ngay cả những tuyến đường không có rào chắn thì tình trạng giao thông cũng ở trong hoàn cảnh tương tự. Khá bức xúc về việc ùn tắc này, anh Nguyễn Chiến Thắng, nhà ở đường K2 Cầu Diễn cho biết, hầu như ngày nào anh cũng phải vất vả di chuyển trên tuyến đường từ nhà đến công ty ở đường Đê La Thành, đa phần là phải dậy từ sớm đưa con đi học rồi mới đến công ty. Theo anh, đường Đê La Thành vốn dĩ đã hẹp, lại là đường hai chiều, lưu lượng xe khá lớn, ý thức người dân còn hạn chế nên không ngày nào không xảy ra ùn tắc.

Tình trạng dừng đậu xe không đúng nơi quy định cũng là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc, ở một số đoạn đường có nhiều nhà hàng, quán ăn như đường Trích Sài, Quan Hoa, Nguyễn Khang, Nguyễn Ngọc Vũ các xe ô tô vẫn cứ vô tư dừng đậu, có tắc đường cũng làm ngơ.

Giải pháp không bằng ý thức?

Trong những năm qua, Hà Nội đã có những nỗ lực đáng kể để giảm thiểu tình trạng UTGT. Năm 2015 ở GTVT có kế hoạch quản lý chặt chẽ hơn lĩnh vực vận tải, đảm bảo ATGT và khắc phục ùn tắc giao thông. Tiếp tục rà soát các điểm, nút giao thông có nguy cơ ùn tắc, mất ATGT để có giải pháp tổ chức giao thông phù hợp; tiếp tục duy trì phân làn, phân luồng giao thông trên một số tuyến phố chính, kết hợp biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn với xử phạt vi phạm nhằm từng bước nâng cao ý thức của người tham gia giao thông; phối hợp với Công an Thành phố và chính quyền địa phương bố trí lực lượng chốt trực đảm bảo giao thông chống ùn tắc giao thông tại nhiều điểm và nút giao thông đang có rào chắn phục vụ thi công... Mặc dù có nhiều giải pháp được đưa ra và thực hiện, nhưng tình trạng UTGT vẫn giảm chưa đáng kể mặc dù năm 2015 là năm cuối thực hiện chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố giai đoàn 2012-2015.

Theo nghiên cứu và đánh giá của Ngân hàng thế giới WB, hiện tỷ lệ sở hữu xe máy trung bình ở Hà Nội là 610 xe/1.000 người và dự báo tăng lên mức 700 xe/1.000 người vào năm 2018. Thậm chí mỗi người đủ năng lực đều có thể sở hữu ít nhất 1 chiếc xe. Tỷ lệ sở hữu ô tô trên địa bàn Hà Nội hiện ở mức 36 xe/1.000 người và tỷ lệ này đang tăng lên rất nhanh, gấp đôi so với tỷ lệ tăng sở hữu của xe máy.

Với tỷ lệ phương tiện tăng nhanh như vậy, nhưng diện tích mặt đường mới, cải thiện không đáng kể. Nhiều ý kiến cho rằng, không thể hình dung nổi tình trạng giao thông Hà Nội lúc bấy giờ sẽ như thế nào nếu như ý thức người dân không được cải thiện. Tâm lý của nhiều người tham gia giao thông luôn là “người khác vi phạm được, mình cũng vậy”, “người khác đi lên vỉa hè được, vượt đèn đỏ được, tại sao mình lại không?” Thế nên việc coi thường luật lệ giao thông của một bộ phận không nhỏ người dân đã khiến cho tình trạng ùn tắc ngày càng trở nên nghiêm trọng. Ban đầu chỉ 1,2 người vi phạm, sau đó kéo theo 5-7 người, thậm chí đông hơn có hành vi vi phạm. Sở GTVT Hà Nội cũng luôn đề cao vai trò ý thức của người tham gia giao thông, nên trong những năm qua Sở cũng đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền ATGT dưới nhiều hình thức để nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông.

Hi vọng rằng, trong thời gian tới, nhiều giải pháp sẽ phát huy tối đa hiệu quả, cùng với ý thức của người tham gia giao thông được cải thiện, tình trạng UTGT sẽ giảm thiểu đáng kể, không còn là nỗi ám ảnh của người đi đường cũng như nhiều du khách khi đến Thủ đô du lịch.

Đỗ Trần

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục