Về tài sản "khủng" của ông Chín Cung: "Rừng cao su của ông Chín Cung không phải vài chục héc ta mà là 110 héc ta"

(Kinhdoanhnet) - “Tôi nhớ chính xác, ông Chín Cung được chia 110 hecta; còn khi làm sổ đỏ, không biết gia đình ông Chín Cung và những quan chức được chia đất có phải nộp tiền cho Nhà nước không thì chưa rõ, hình như họ được miễn thì phải", ông Huỳnh Văn Thu, Nguyên Bí thư Huyện ủy huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương khẳng định.

Đầu tháng 9 năm 2014, trong chuyến đi công tác ở các tỉnh phía Nam, tôi đến thăm gia đình ông Huỳnh Văn Thu, người mà người dân địa phương quen gọi là ông “Bẩy Thu” - Nguyên Bí thư Huyện ủy huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương gần 3 nhiệm kỳ. Gần 60 tuổi Đảng, 17 tuổi đã tham gia hoạt động cách mạng, với ông địa bàn huyện Bến Cát, ông thuộc từng ngõ, xóm… như những đường vân trong lòng bàn tay.

Điều đó xem ra cũng phải thôi bởi cuộc đời hoạt động cách mạng của ông dường như đều diễn ra trên địa bàn huyện Bến Cát với nhiều cương vị khác nhau; từ xã đội trưởng, Bí thư Đảng ủy xã, huyện ủy viên, Phó bí thư rồi Bí thư Huyện ủy.

Mặc dù đã bước qua tuổi 81, song ở người cán bộ cách mạng lão thành này, trí tuệ vẫn rất minh mẫn. Điều đặc biệt ở ông là khí tiết cách mạng của người cộng sản vẫn như một ngọn lửa hồng rực cháy. Mặc dù tuổi cao, sức khỏe giảm sút, song ngày ngày ông vẫn lên mạng dõi theo tin tức, sự kiện diễn ra ở trong nước và trên thế giới, đặc biệt là cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng; xây dựng và củng cố Đảng.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông bảo rằng “Thời tôi còn công tác, đất nước khó khăn lắm, song mọi người đều đồng tâm, hiệp lực để vượt qua thử thách. Lúc đó ít xảy ra các vụ tham nhũng, tiêu cực, mà nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham ô, tham nhũng đều được kiểm tra và bị xử lý rất nghiêm, kiểm tra ra kiểm tra, kiểm điểm ra kiểm điểm, chứ không hề có chuyện xuê xoa bao che nhau cho xong chuyện. 

Cả đời tôi hoạt động ở huyện Bến Cát, cán bộ, Đảng viên, bộ đội hầu như đều thuấn nhuần lời dậy của Hồ Chủ tịch: “Không được động đến cái kim, sợi chỉ của nhân dân”. Hồi đó, do thiếu lương thực nên nhiều ngày, nhiều tháng cán bộ Đảng viên phải sống kham khổ, song mọi người thường bảo nhau phải sống trong sạch và gần gũi với nhân dân. Có lẽ vì thế mà đi tới đâu, chúng tôi cũng được nhân dân quý trọng và đùm bọc”.

Ông Huỳnh Văn Thụ - nguyên Bí thư huyện Bến Cát, Bình Dương
Ông Huỳnh Văn Thu- Nguyên Bí thư huyện ủy huyện Bến Cát, Bình Dương

Đó là thời ngày xưa, còn bây giờ? - Ông Bẩy Thu ngừng một lát rồi nói tiếp: “Tôi thấy vui khi đất nước đổi mới với nhiều thành tựu trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao, song nhìn vào thực trạng của nạn tham nhũng tiêu cực, sự suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, Đảng viên thoái hóa, biến chất đang làm xói mòn lòng tin của dân với Đảng và Nhà nước; nhiều lúc nghĩ đến điều đó khiến những người Đảng viên cả đời theo Đảng làm cách mạng như chúng tôi mà thấy đau và buồn lắm.

Đề cập về những nội dung trong loạt bài đăng trên báo Kinh doanh & Pháp luật về “ tài sản khủng” của ông Chín Cung- Chủ tịch tỉnh Bình Dương; ông Bẩy Thu, sau những cái lắc đầu quầy quậy nói: “Tôi đã viết dập rạp lá đơn kiến nghị gửi Bộ Chính trị phản ánh về vụ việc này. Đọc các bài báo, đăng trên tờ “Kinh doanh & Pháp luật”, nhiều cựu chiến binh và cán bộ Đảng viên lão thành ở địa phương đã đến gặp và động viên chia sẻ với tôi. 

Như tôi đã khẳng định: Toàn bộ diện tích rừng cao su của gia đình ông Chín Cung là đất công, mà đã là đất công thì phải do nhà nước quản lý. Như tôi đã nói nguồn gốc của rừng cao su này là lâm trường Long Nguyên. Các nhà báo có biết không? Thời chống Pháp và chống Mỹ, khu rừng này là khu rừng có nhiều cây cổ thụ được coi là rừng đầu nguồn của con sông Thị Tính. Hồi đó, nơi đây cũng được coi là khu căn cứ cách mạng, nơi tập kết lương thực, thực phẩm, vũ khí, thuốc men cho bộ đội, du kích. 

Dường như trong nhiều năm, không một tên lính Pháp, lính Mỹ nào vô nổi khu rừng này, bởi cứ vô là bị ta tiêu diệt. Có lẽ vì thế mà Mỹ đã gọi đây là “vùng tam giác sắt”. Cũng ở khu rừng này, lực lượng của ta cũng bị hy sinh khá nhiều. Do vậy sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước, trên cương vị là Bí thư Huyện ủy huyện Bến Cát, tôi đã xúc tiến thành lập và phát triển lâm trường Long Nguyên, coi đó vừa là khu rừng phòng hộ đầu nguồn, vừa là khu di tích lịch sử để giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ con cháu sau này”.

Ý định ấy, nguyện vọng ấy xem ra vừa hợp lý và hợp tình, bởi nó vừa giữ được đất và rừng; vừa hợp ý Đảng, lòng dân; song rất tiếc khi ông Bẩy Thu đến tuổi nghỉ hưu thì ý định và nguyện vọng của ông không những không được thực hiện mà còn diễn biến theo chiều ngược lại. Lâm trường Long Nguyên, gồm hơn 320 hecta đất lâm nghiệp do Nhà nước quản lý đã nhanh chóng được phù phép biến thành sở hữu tư nhân. 

Điều tệ hại như ông Bẩy Thu vạch ra là người dân cả đời gắn bó với rừng lại không được chia đất rừng, mà chỉ dành cho một số quan chức thuộc tỉnh Bình Dương. Trong đó, ông Bẩy Thu khẳng định như đinh đóng cột rằng “Tôi nhớ chính xác, ông Chín Cung được chia 110 hecta; còn khi làm sổ đỏ, không biết gia đình ông Chín Cung và những quan chức được chia đất có phải nộp tiền cho Nhà nước không thì chưa rõ, hình như họ được miễn thì phải”. 

Ông Bẩy Thu còn cho biết thêm một chi tiết là “Do ăn chia không đều dẫn đến trong nội bộ có sự cãi lộn”. Sau khi nhận 110 hecta đất ở lâm trường Long Nguyên, ông Chín Cung cho làm đường và đóng cọc, rào dậu bằng hàng rào dây thép gai vây quanh diện tích của gia đình nhà ông.

Vẫn theo ông Bẩy Thu khi còn ở cương vị là Bí thư Huyện ủy huyện Bến Cát, ông Chín Cung lúc đó là Trưởng phòng Kế hoạch, sau đó lên Phó Chủ tịch UBND huyện Bến Cát. Ở cương vị đó, ông Chín Cung bắt tay vào việc xây dựng một ê kíp mới; cho nghỉ việc hầu hết số cán bộ và công nhân lâm trường với lý do: Họ không hoàn thành nhiệm vụ. Đỉnh điểm là vin vào lý do phủ xanh đất trống, đồi trọc theo chương trình 327 để giải thể lâm trường nhằm che mặt thiên hạ và những người dân nơi đây. Cuối cùng là xẻ thịt đất lâm trường chia cho một số quan chức. 

Đối với trường hợp của ông Bẩy Thu, sau khi hoàn tất việc san ủi, trồng cây cao su mới, họ cho người đến đặt vấn đề với ông Bẩy Thu và gợi ý chia cho ông một lô đất ở lâm trường Long Nguyên, song ông Bẩy Thu kiên quyết rằng: “Đất của công, phải trả lại cho nhà nước. Tôi không nhận”.

Trước lúc chia tay chúng tôi, ông Bẩy Thu với thái độ bức xúc và bất bình về những việc làm vi phạm pháp luật này, ông nói: “Về việc này tôi đã phát biểu nhiều lần tại các cuộc họp, ở trong chi bộ và các cuộc họp do tỉnh tổ chức, nói chuyện với nhân dân tôi đều nêu ra, song bấy lâu nay không thấy cấp nào có ý kiến giải quyết và xử lý. 

Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, Chỉ thị 33 của Bộ Chính trị về kê khai tài sản; nói rất rõ, song xem ra khi thực hiện lại mang tính hình thức, qua loa thì làm sao Đảng mạnh được. Một nguyên nhân mà tôi cho rằng đó là của “Nhóm lợi ích” đã đi ngược với quyền lợi và nguyện vọng của người dân. Bác Hồ của chúng ta đã chỉ ra rằng: “Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền lại càng khó hơn”. Đảng và Nhà nước ta đã có quá nhiều Nghị quyết, văn bản pháp luật về chống tham nhũng và tiêu cực, nhưng thử hỏi chúng ta đã làm đến nơi đến chốn chưa? Tránh né, nể nang, lợi ích nhóm, che chắn cho nhau đang là vấn nạn, một vật cản trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực. 

Nguyện vọng của tôi là đã có dấu hiệu của tiêu cực, tham nhũng. Các ban ngành chức năng cần vào cuộc một cách quyết liệt, cầu thị và công tâm; truy đến cùng cội nguồn của các vụ tiêu cực, tham nhũng thì mới giữ được niềm tin của người dân với Đảng và Nhà nước”.

Nhóm PVĐT

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục