Vì sao dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ?

(Kinhdoanhnet) - Nhiều hạng mục của dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) đang bị chậm tiến độ từ 9-22 ngày do Tổng thầu EPC Trung Quốc thiếu nợ các nhà thầu phụ trong nước với con số khoảng 554 tỷ đồng.

Theo Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Bộ GTVT cho biết: "Tính đến đầu tháng 3, Tổng thầu Trung Quốc đang nợ các nhà thầu phụ khoảng 554 tỷ đồng. Con số này khác với con số mà Tổng thầu Trung Quốc báo cáo rằng chỉ nợ 400 tỷ đồng.

Tuy nhiên, con số nợ chính xác là bao nhiêu cũng chưa phải là vấn đề. Điều quan trọng là số nợ hàng trăm tỷ đồng trên đã khiến cho các nhà thầu phụ lại thêm lao đao".

Vì sao dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chậm tiến độ? - Ảnh 1
Trong dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Tổng thầu Trung Quốc đang nợ các nhà thầu phụ khoảng 554 tỷ đồng

Nhiều nhà thầu giảm khối lượng thi công do tiềm lực tài chính không cho phép. Có nhà thầu vẫn phải gồng mình tiếp tục thi công nhưng chỉ để duy trì được số lượng công nhân cũng như thiết bị phục vụ thi công.

Trước đó, tại cuộc họp tiến độ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chiều 2/3, ông Dư Giang (đại diện Tổng thầu EPC Trung Quốc tại Việt Nam) thừa nhận tiến độ thi công chậm so với yêu cầu đặt ra. 

Ông Dư Giang đã xin lỗi vì sự chậm trễ và cho biết, hiện nay việc xin tăng 19 triệu USD tổng mức đầu tư chưa được phía Trung Quốc chấp thuận nên không có tiền để giải ngân, gây khó khăn cho công tác triển khai dự án. Ông cũng khẳng định phía Tổng thầu Trung Quốc đang nỗ lực giải quyết phần tạm ứng 19 triệu USD.

Theo ông Triệu Khắc Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và chất lượng công trình giao thông, vấn đề quan trọng nhất bây giờ là Tổng thầu thiếu tiền, Trung Quốc đang siết dòng tiền ra nước ngoài trong đó có dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Đối với các nhà thầu vụ, hiện máy móc, nhân lực đã bố trí đầy đủ trên công trường, nhưng chỉ thiếu tiền để triển khai thi công. 

Bộ GTVT cho biết lãnh đạo Bộ đang khẩn trương sắp xếp làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc, để bố trí vốn cho dự án nhằm đảm bảo tiến độ.

Thu Hà (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục