Việt Nam phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 6,8% năm 2018

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Chỉ thị số 29 ngày 5/7/2017 về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Theo đó, năm 2018, Việt Nam phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,4-6,8%. Các địa phương căn cứ số liệu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2017 và điều kiện thực tế ở địa phương ước thực hiện cả năm và dự báo triển vọng phát triển để xác định chỉ tiêu GRDP năm 2018 cho phù hợp.

Việt Nam phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng 6,8% năm 2018 - Ảnh 1
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, phấn đấu tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước trên GDP năm 2018 khoảng 21%; loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách thì dự toán thu nội địa tăng bình quân tối thiểu 12-14% so với đánh giá ước thực hiện năm 2017 và dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng bình quân tối thiểu 5-7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2017.

Về dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2018, các tỉnh, địa phương phải thực hiện triệt để tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu xác định nhiệm vụ, chủ động sắp xếp thứ tự các nhiệm vụ chi ưu tiên theo mức độ quan trọng, cấp thiết và khả năng triển khai trong năm 2018.

“Chỉ trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách mới khi cân đối được nguồn; chủ động dự kiến đầy đủ nhu cầu kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ, nhiệm vụ mới đã được cấp có thẩm quyền quyết định”, Chỉ thị nêu rõ.

Chỉ chị cũng cho biết viêc chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước phải phục vụ mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2018, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 – 2020.

Việc bố trí vốn kế hoạch chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước phải thực hiện đúng quy định hiện hành trước khi xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2018.

Đối với các dự án dự kiến bố trí vốn đầu tư công giai đoạn 2016 – 2020 thấp hơn so với quyết định đầu tư phê duyệt, các Bộ ngành, địa phương cần rà soát, phê duyệt quyết định đầu tư điều chỉnh tổng mức đầu tư, xác định điểm dừng kỹ thuật hợp lý hoặc bổ sung nguồn vốn hợp pháp khác để hoàn thành dự án phù hợp với quy mô vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương.

Bên cạnh đó, ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho 2 chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình mục tiêu đã được phê duyệt nhằm hướng tới mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nông nghiệp, nông thôn, các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, các địa phương chịu ảnh hưởng sự cố môi trường biển; các dự án, công trình y tế, giáo dục, các dự án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các dự án phát triển hạ tầng trọng điểm liên ngành, liên lĩnh vực để thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng trưởng GDP.

Chỉ thị nhấn mạnh chương trình, dự án bố trí kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2018 phải có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn, trừ dự án khẩn cấp theo quy định của Luật Đầu tư công.

Về chi thường xuyên, Chỉ thị yêu cầu xây dựng dự toán chi thường xuyên theo từng lĩnh vực, bảo đảm đủ nhiệm vụ, đúng chính sách, chế độ theo định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên được quy định tại các Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ thị cũng yêu cầu rà soát cắt giảm những khoản chi không thực sự cần thiết; triệt để tiết kiệm, gắn với việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy hành chính theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, giảm tần suất và thắt chặt các khoản chi lễ hội, khánh tiết,... theo hướng tiết kiệm, hiệu quả; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền; mở rộng thực hiện khoán xe ô tô công.

Phấn đấu bảo đảm 20% tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, đào tạo; 2% tổng chi ngân sách nhà nước cho khoa học, công nghệ.

Chỉ thị cũng yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương và các địa phương tiếp tục lập dự toán tạo nguồn cải cách tiền lương bao gồm: Tiết kiệm 10% chi thường xuyên; 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương; nguồn thực hiện cải cách tiền lương các năm trước còn dư; đồng thời yêu cầu các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có nguồn thu được giao tự chủ phấn đấu tăng thu cùng với lộ trình tính đúng, tính đủ chi phí vào giá dịch vụ và sử dụng nguồn thu này ưu tiên để thực hiện cải cách tiền lương.

Theo N.Dương/Trí thức trẻ

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục