Việt Nam sẵn sàng ứng phó nếu bệnh nhân nhiễm chủng mới của virus Corona tăng lên

Lãnh đạo Bộ Y tế đã trả lời nhiều câu hỏi của các nhà báo, phóng viên xoay quanh vấn đề về bệnh dịch, cách phòng tránh, điều kiện chữa trị của Việt Nam và nhiều thông tin liên quan khác.

Chiều 5/2, Bộ Y tế tổ chức cung cung thông tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra.

Việt Nam sẵn sàng ứng phó nếu bệnh nhân nhiễm chủng mới của virus Corona tăng lên - Ảnh 1
Quang cảnh họp báo. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN


Trước nguồn tin nhận định của chuyên gia đánh giá tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc cho rằng, đỉnh dịch ở Trung Quốc có thể là 7-10 ngày tới, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, đó không phải là đỉnh dịch ở Việt Nam. Hiện là quá sớm để nhận định về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam. Bộ Y tế đề nghị Tổ chức Y tế Thế giới WHO chia sẻ thông tin kịp thời nhanh chóng để cùng nhau đối phó với bệnh dịch.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện nay chưa có thuốc điều trị dự phòng và đặc hiệu với virus Corona. Các phương pháp điều trị hiện nay dựa trên nguyên tắc cơ bản là điều trị triệu chứng như: hạ sốt, bảo đảm dinh dưỡng và cân bằng điện giải, ăn uống đầy đủ và theo dõi sát những vấn đề liên quan đến độ bão hòa ô-xy trong máu.

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện nay để chuẩn bị cho phương án xấu nhất là dịch lây lan trong cộng đồng, Bộ Y tế đã chỉ đạo 22 bệnh viện tuyến cuối sẵn sàng dành 3 nghìn giường bệnh cho việc điều trị bệnh nhân. Trong trường hợp xấu sẵn sàng trưng dụng tòa nhà mới xây của Bệnh viện Bạch Mai với gần 500 giường bệnh.

Hiện nay, Bộ Y tế đã ra soát tổng thể máy móc, có khoảng một nghìn máy thở chuẩn bị cho mọi tình huống. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào mắc virus Corona cũng phải sử dụng máy thở. Qua điều trị 10 ca bệnh dương tính với nCoV tại Việt Nam, chưa có ca bệnh nào phải dùng tới máy thở. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định: “Việt Nam có đủ năng lực và chuẩn bị sẵn sàng các phương thức ứng phó nếu bệnh nhân tăng lên”.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế chia sẻ: trong mức độ hiện nay của dịch, nếu không quản lý chặt độ an toàn sinh học, phòng xét nghiệm là nơi phát tán virus. Do đó, phải thận trọng theo dõi mức độ dịch và thực hiện các biện pháp cách ly. Quan trọng hơn, khi mở rộng các cơ sở xét nghiệm xuống bệnh viện tuyến dưới, yêu cầu đặt ra là phương pháp thực hiện cho kết quả bảo đảm chính xác, bảo đảm an toàn sinh học cho các cơ sở và người bệnh, cộng đồng.

Phương thức xét nghiệm hiện nay đang được áp dụng trên toàn thế giới có độ nhạy và độ đặc hiệu, toàn bộ quy trình tối thiếu của thời gian xét nghiệm virus nCoV là 5,5 giờ đến 9,8 giờ (từ thời gian phá mẫu, chuẩn bị, phản ứng...). Do đó, Bộ Y tế đang hối thúc các đơn vị tìm ra sinh phẩm chuẩn đoán nhanh, đồng thời các phòng xét nghiệm đang hoạt động hết công suất để làm sao đảm bảo thực hiện xét nghiệm các mẫu từ các địa phương gửi về. Việc hình thành các phòng thí nghiệm tại các địa phương để thực hiện được việc xét nghiệm cũng được chỉ đạo tiến hành nhanh chóng.

Hiện nay, que thử cho bệnh dịch tại Việt Nam đang được cung cấp từ nhiều nguồn như: từ các viện trợ, các trao đổi, các hợp tác quốc tế từ liên phòng thí nghiệm và từ hai công ty của Việt Nam đã nghiên cứu, sản xuất thành công que thử. Bộ Y tế đã giao cho đơn vị chuyên môn nghiên cứu sản xuất que thử. Do đó, thời gian tới đây, Việt Nam sẽ không lo thiếu que thử. Một thông tin đáng mừng là những bệnh nhân nhiễm nCoV rồi sẽ không bị nhiễm lại và có khả năng miễn dịch khoảng 2 năm. Ngoài ra, virus nCoV lây qua đường hô hấp, gây viêm phổi cấp do tổn thương niêm mạc chứ không lây qua vết thương hở, ngoài da. Hiện, chi phí khám chữa cho bệnh nhân nhiễm nCoV được xác định là chi phí khám chữa cho bệnh truyền nhiễm nên được Nhà nước chi trả.

Về nguồn gốc, virus nCoV có gen giống chủng virus Corona trên các loài dơi. Tuy nhiên,Vũ Hán mùa này không có dơi vì dơi đang ngủ đông. Hiện virus lây qua vật chủ trung gian là động vật có vú nào đó mà các nhà khoa học chưa tìm ra. Tuy nhiên, những vật nuôi trong nhà không phải là vật chủ lây bệnh, người dân khi nuôi chó, mèo… cần chú ý các bệnh dịch khác cho vật nuôi trong nhà.

Cũng tại buổi cung cấp thông tin về dịch bệnh nCoV, Phó Giáo sư, Tiến Sỹ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế chia sẻ, qua hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, Bộ Y tế sẽ có sơ đồ vẽ những đối tượng nào cần đeo và cách sử dụng khẩu trang y tế, khẩu trang vải. Hướng dẫn về đeo khẩu trang đã được đăng trải trên trang thông tin điện tử của Bộ Y tế. Tất cả những nhưng người thăm khám người bệnh đều phải đeo khẩu trang y tế. Trong thời điểm này, trong môi trường bình thường, người khỏe mạnh cũng không nhất thiết phải đeo khẩu trang. Tuy nhiên, người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang vải khi đi xe máy để chống bụi và các loại virus khác.

Hiện tại, Việt Nam đang nỗ lực ở mức cao nhất để kiểm soát tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona. Với những biện pháp khoanh vùng dịch, thực hiện cách ly nhiều cấp độ với những người nghi ngờ nhiễm nCoV, gấp rút chuyển giao xét nghiệm cho những địa phương có đủ năng lực và đặc biệt với khả năng tự sản xuất bộ xét nghiệm đặc hiệu với virus Corona, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, coi việc phòng chống dịch là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả hệ thống, Việt Nam tự tin sẽ khống chế được dịch nCoV./.

 


Theo Ng. Bích/TTXVN/BNEWS

 

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục