Việt Nam sẽ phải vay ODA với lãi suất đắt đỏ hơn từ 7/2017

(Kinhdoanhnet) - Việt Nam sẽ phải vay vốn nước ngoài với thời hạn trả nợ nhanh gấp đôi và mức lãi suất tăng lên cao tới 3,5% so với mức ưu đãi hiện tại kể từ tháng 7/2017 tới.

Theo Bộ Tài chính, từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình. Mức độ ưu đãi từ các khoản cho vay của các đối tác phát triển dành cho Việt Nam giảm rõ rệt.

Ông Hoàng Hải - Phó Cục trưởng Cục Bộ Tài chính (Cục Quản lý Nợ và Tài chính Đối ngoại) cho biết: "Từ năm 2010, thời hạn vay bình quân khoảng từ 30 - 40 năm, với chi phí vay khoảng 0,7% - 0,8%/năm, bao gồm thời gian ân hạn (giai đoạn trước năm 2010). Đến nay, thời hạn vay bình quân chỉ còn từ 10 - 25 năm, tùy theo từng đối tác và từng loại vay với chi phí vay khoảng 2%/năm trở lên (giai đoạn 2011 - 2015)".

Được biết, Việt Nam đã trả nợ vay nước ngoài hơn 36,6 nghìn tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay.

Ông Hoàng Hải cho rằng, khi đó, áp lực trả nợ vay nước ngoài sẽ lớn hơn, các khoản vay mới cũng ít ưu đãi hơn, lãi suất cao hơn, thời gian vay ngắn hơn. Điều này, theo Bộ Tài chính, Việt Nam sẽ phải tính toán và cơ cấu lại nợ, đồng thời phải làm sao sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay và cân đối với khả năng trả nợ.

Trong giai đoạn 10 năm trở lại đây (2005-2015), tổng số vốn ODA, vay ưu đãi được ký kết (khoảng 45 tỷ đô la Mỹ), trong đó, nguồn ODA dành cho Việt Nam tập trung chủ yếu vào lĩnh vực như hỗ trợ cân đối tài chính vĩ mô; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội; phát triển y tế, giáo dục và đào tạo.

Theo ông Hải, tới đây việc nâng cao công tác quản lý nguồn vốn vay, đặc biệt là quản lý tài chính nguồn vốn ODA đảm bảo mục tiêu vay nợ bền vững là nhu cầu bức thiết của Việt Nam.

Trước những yêu cầu về quản lý tài chính đang đặt ra trong giai đoạn tới, Chính phủ ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công “Nợ công chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, xây dựng các công trình kinh tế xã hội quan trọng, thiết yếu theo quy hoạch”, “Tăng dần tỷ lệ cho vay lại, giảm dần tỷ lệ cấp phát đối với các khoản Chính phủ vay về cho vay cho vay lại”.

Thu Trang (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục