Vụ Phạm Công Danh: 5 lần giám định sai phạm, hậu quả

Trong vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 5 lần thực hiện giám định theo yêu cầu của Cơ quan điều tra.

Tại phiên tòa, có nhiều câu hỏi và ý kiến công khai khách quan về kết quả giám định của NHNN.

Vụ Phạm Công Danh: 5 lần giám định sai phạm, hậu quả - Ảnh 1
Phiên tòa xét xử Phạm Công Danh đang có những tranh luận công khai, khách quan
Kết quả giám định: Có vi phạm quy định pháp luật nhưng...

Ngày 12/11/2015, Cơ quan điều tra đã yêu cầu NHNN giám định về sai phạm và hậu quả thiệt hại trong việc 3 ngân hàng TPbank, Sacombank, BIDV cho các công ty của Phạm Công Danh vay hơn 8.100 tỷ đồng.

Các khoản vay đều có tài sản bảo đảm là tiền của Ngân hàng Xây Dựng gửi tại 3 ngân hàng này. Sacombank cho 6 công ty của Phạm Công Danh vay 1.800 tỷ đồng và thu nợ gốc, lãi từ tiền gửi của Ngân hàng Xây Dựng tại Sacombank. TPbank cho 11 công ty do Phạm Công Danh mượn pháp nhân vay hơn 1.600 tỷ đồng và thu nợ gốc, lãi từ tiền gửi của Ngân hàng Xây Dựng tại TPbank. BIDV cho 12 công ty của Phạm Công Danh vay 4.700 tỷ đồng và thu nợ bằng hơn 2.500 tỷ từ tiền gửi của Ngân hàng Xây Dựng tại BIDV, phần còn lại thu nợ từ tiền vay do Danh rút ra từ Ngân hàng Xây Dựng.

Cơ quan điều tra yêu cầu NHNN cho biết việc cho vay trái pháp luật trên gây thiệt hại cho 3 ngân hàng cho vay hay Ngân hàng Xây Dựng, thiệt hại của từng ngân hàng là bao nhiêu?

Thời hạn giám định theo yêu cầu của Cơ quan điều tra là 1 tháng. Đến 27/5/2016, NHNN mới có kết luận giám định. Theo NHNN, việc 3 ngân hàng cho các công ty của Phạm Công Danh vay có vi phạm quy định pháp luật.

Về Hợp đồng cầm cố tiền gửi của Ngân hàng Xây Dựng bảo lãnh cho các công ty của Phạm Công Danh vay vốn, NHNN nêu các hợp đồng này vi phạm quy định của pháp luật vì thiếu chữ ký của người quản lý rủi ro, người thẩm định khoản bảo lãnh của Ngân hàng Xây Dựng.

Việc 3 ngân hàng cho vay khi chưa thực hiện đúng theo quy định về bảo đảm tiền vay là vi phạm quy chế cho vay của NHNN. Về xác định thiệt hại, Kết luận giám định cho rằng NHNN không có chức năng giám định thiệt hại trong vụ việc này. NHNN chỉ phản ánh thực tế 3 ngân hàng cho vay đã thu nợ gốc và lãi, riêng Ngân hàng Xây Dựng chưa thu được tiền do trả nợ thay cho các công ty của Phạm Công Danh.

Điều đáng lưu ý, bà Võ Thị Thu Hà, Phó Phòng Vụ Pháp chế NHNN, thành viên đoàn giám định có ý kiến bảo lưu bằng văn bản dài 7 trang khi ký thông qua Kết luận giám định. Các ý kiến bảo lưu này là gì, có khác với nội dung Kết luận giám định không? Vấn đề này chưa được làm rõ trong quá trình xét xử.

4 lần giám định tiếp, ai thiệt hại?

Từ tháng 7/2016 cho đến tháng 3/2017, Cơ quan điều tra tiếp tục có 4 lần yêu cầu NHNN giám định về vụ việc trên, trong đó có nội dung xác định thiệt hại thuộc về 3 ngân hàng cho vay hay Ngân hàng Xây Dựng. Khác với lần đầu, trong Kết luận giám định sau đó NHNN kết luận 3 ngân hàng cho vay không thiệt hại, đã thu nợ đúng theo Hợp đồng cầm cố tiền gửi. Ngân hàng Xây Dựng chịu thiệt hại từ việc 3 ngân hàng thu nợ từ tiền gửi của Ngân hàng Xây Dựng. Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử Phạm Công Danh trong giai đoạn 2, đã có nhiều ý kiến tranh luận về Kết luận giám định.

Theo một số luật sư chuyên về tài chính ngân hàng, giám định của NHNN có nhiều điểm cần làm rõ hơn. NHNN đã kết luận các Hợp đồng cầm cố tiền gửi của Ngân hàng Xây Dựng ký với 3 ngân hàng bảo lãnh cho các công ty của Phạm Công Danh vay vốn là vi phạm quy định về bảo lãnh vì thiếu chữ ký thì cần phải xem xét hiệu lực pháp lý của các Hợp đồng này, vấn đề này không thuộc thẩm quyền của NHNN. Nếu các hợp đồng này là vô hiệu do vi phạm pháp luật thì 3 ngân hàng không có quyền thu nợ theo các hợp đồng trái luật. Chính 3 ngân hàng có lỗi với các hợp đồng trái luật này. Đồng thời, theo một số luật sư Ngân hàng Nhà nước cũng chưa xem xét triệt để việc tuân thủ pháp luật trong quan hệ gửi tiền, nhận tiền gửi giữa Ngân hàng Xây Dựng và 3 ngân hàng cho vay.

Theo quy định của NHNN, các ngân hàng chỉ được gửi tiền, nhận tiền gửi với ngân hàng khác với kỳ hạn tối đa 3 tháng. Ngân hàng Xây Dựng và BIDV ký hợp đồng tiền gửi với kỳ hạn 7 ngày, nhưng các bên thỏa thuận duy trì tiền gửi trong thời gian 7 tháng, đồng thời dùng để bảo đảm cho các khoản vay có kỳ hạn 6 tháng.
Ngân hàng Xây Dựng và Sacombank ký hợp đồng tiền gửi thanh toán không kỳ hạn, nhưng tiền gửi được dùng để bảo đảm cho các khoản vay có thời hạn 12 tháng. Ngân hàng Xây Dựng ký hợp đồng tiền gửi với TPbank có kỳ hạn 3 tháng, nhưng sau đó lại tái tục và tiền gửi được dùng để bảo đảm cho các khoản vay có thời hạn 12 tháng. Ngay khi ký hợp đồng tiền gửi và hợp đồng cầm cố tiền gửi cho các khoản vay có thời hạn dài hơn 3 tháng, ngay khi các bên thỏa thuận tiếp tục duy trì tiền gửi dài hơn 3 tháng là cả bên gửi tiền (Ngân hàng Xây Dựng) và bên nhận tiền gửi (3 ngân hàng) đã có dấu hiệu vi phạm quy định của NHNN. Do đó, hiệu lực của các Hợp đồng gửi tiền này cũng cần phải xem xét trước khi kết luận về việc nhận cầm cố và thu nợ của 3 ngân hàng.

Tài sản bảo đảm không phải là điệu kiện duy nhất và tiên quyết để cho vay. Khi cho vay các ngân hàng phải thẩm định phương án vay vốn, khả năng trả nợ, uy tín, kinh nghiệm, mục đích sử dụng vốn vay của khách hàng. Thực tế các hồ sơ vay đều là khống, hầu hết các công ty vay vốn đều không hoạt động, 3 ngân hàng khi cho vay cũng không cần biết lý do tại sao Ngân hàng Xây Dựng lại cầm cố tiền gửi để bảo lãnh cho các khoản vay. Nếu 3 ngân hàng này thực hiện đúng quy định thì sẽ không có bất cứ thiệt hại nào xảy ra. Dù có nhiều sai phạm có mối quan hệ nhân quả với hậu quả của vụ án, nhưng 3 ngân hàng lại không phải chịu thiệt hại.

Tại phiên tòa mới đây, Ngân hàng Xây Dựng đã đề nghị Tòa xem xét giá trị pháp lý của các hợp đồng, giao dịch có liên quan, đồng thời yêu cầu TPbank, Sacombank, BIDV hoàn trả toàn bộ số tiền đã thu nợ hơn 6.100 tỷ đồng.

Ngọc Hoa/ Báo Đất Việt

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục