World Bank: Nợ công chiếm 62,2% GDP, Việt Nam vẫn có 100% khả năng trả hết nợ

(Kinhdoanhnet) - Đại diện Ngân hàng thế giới (World Bank) khẳng định với tỉ lệ nợ công 62% GDP, Việt Nam đủ sức trả và "khả năng trả của Chính phủ với những khoản nợ đến hạn là 100%".

Tại phiên họp báo công bố báo cáo “Cập nhật kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương” diễn ra sáng nay (11/4/2016), ông Sandeep Mahajan - Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nhận xét, trong khi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì về cơ bản thì tình trạng nợ công tăng nhanh trong khi dự trữ ngoại tệ thấp (và đang có xu thế giảm) là tình trạng đáng quan ngại với Việt Nam.

World Bank: Nợ công chiếm 62,2% GDP, Việt Nam vẫn có 100% khả năng trả hết nợ  - Ảnh 1
Quang cảnh buổi công bố báo cáo cập nhật về tình hình Kinh tế Đông Á Thái Bình Dương do Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức. Ảnh: TTXVN

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới đến năm 2016, nợ công của Việt Nam sẽ tăng lên mức 63,8% GDP, năm 2017 là 64,4%, năm 2018 lên 64,7%. Như vậy, nợ công của Việt Nam sẽ chạm trần mức khả năng trả nợ của Chính phủ là 65%.

Trong một báo cáo mới đây của Bộ Tài chính trước Quốc hội, nợ công của Việt Nam tính đến 31/12/2015 đã lên mức 62,2% GDP.  Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam năm 2015 đạt 4.192.900 tỷ đồng. Như vậy, nợ công của Việt Nam tương đương mức 2.607.900 tỷ (115,7 tỷ USD).

Với dân số khoảng 91,7 triệu người, hiện mỗi người dân Việt Nam đang phải gánh khoản nợ khoảng 28,4 triệu đồng. Đây là con số nợ công kỷ lục của Việt Nam.

World Bank: Nợ công chiếm 62,2% GDP, Việt Nam vẫn có 100% khả năng trả hết nợ  - Ảnh 2
Chuyên gia Kinh tế trưởng của World Bank tại Việt Nam - ông Sandeep Mahajan

Trao đổi về vấn đề này, ông Sandeep cho biết, không có thước đo chung về nợ công đối với tất cả các quốc gia. Mức độ bền vững của nợ công được đánh giá tùy thuộc vào tiềm lực tài chính, sức mạnh kinh tế của từng nước. Chẳng hạn như Nhật Bản, kể cả khi nợ công đã vượt trên 200% thì tình hình tài chính của nước này vẫn rất ổn, trong khi đó có những quốc gia, nợ công chỉ cần lên đến 50% GDP là đã rất nguy hiểm.

Vấn đề của Việt Nam, theo ông Sandeep, đó là nợ ngắn hạn trong nước tới hạn trả chiếm tỉ trọng lớn và tạo áp lực cả trong ngắn hạn lẫn trung hạn đối với ngân sách Việt Nam. Khẳng định, với tỉ lệ nợ công 62% GDP, Việt Nam đủ sức trả và "khả năng trả của Chính phủ với những khoản nợ đến hạn là 100%", chuyên gia World Bank cho biết, tổ chức này không quan ngại về sự bền vững nợ công Việt Nam mà chỉ quan ngại về ngân sách.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng nhấn mạnh: "Việt Nam cần cẩn trọng hơn nữa trong chính sách tài khoá của mình để hạn chế nợ công. Việc nới lỏng tài khoá giờ đây không còn cần thiết như mấy năm trước. Tất nhiên việc giảm thâm hụt ngay trong ngày mai ngay là điều không thể, cái chúng tôi kỳ vọng là một chính sách tài khoá bền vững, không kỳ vọng nợ công của Việt Nam đạt đến điểm rủi ro trả nợ. Khi đó không gian chi tiêu cho xã hội, đầu tư kinh tế sẽ giảm đi".

Cũng trong Báo cáo Cập nhật Kinh tế Đông Á Thái Bình Dương công bố sáng nay, Ngân hàng Thế giới đã công bố dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam 2016 ở mức 6,5% bằng văn bản. Nhưng ngay sau đó, World Bank đã đính chính lại dự báo này, hạ mức dự báo tăng trưởng GDP chỉ còn 6,2%.

Nguyên nhân chính được cho là do sự suy giảm chung của nền kinh tế toàn cầu, cùng với xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đã gây ra sự tăng trưởng âm trong nông nghiệp trong Quý 1/2016. Ngoài ra, nhu cầu của các nước bên ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đã giảm. 

 

Phương Anh (Tổng hợp)

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục