Cốc nhựa dùng một lần có chứa chất làm suy giảm hệ miễn dịch vẫn được dùng tràn lan

Cốc nhựa dùng một lần hiện được sử dụng tràn lan tại Hà Nội, TP.HCM, các thành phố lớn, khu đô thị với mẫu mã đa dạng. Trong khi nhiều nước trên thế giới cấm sử dụng vì nó có chứa chất làm suy giảm hệ miễn dịch cơ thể; phụ nữ mang thai dễ sảy thai, sinh con mang mầm bệnh. Đặc biệt, cốc nhựa dùng một lần gây hại cho môi trường.

Cứ rẻ là bán được nhiều hàng, không cần tiêu chuẩn

Những cửa hàng đồ uống, quán trà đá vỉa hè, quán cơm bình dân ở đô thị là nơi tiêu thụ cốc nhựa dùng một lần nhiều nhất. Hàng nghìn cốc nhựa giá rẻ được tiêu thụ mỗi ngày.

Theo khảo sát của phóng viên (PV) Thời Đại, cốc nhựa dùng một lần có thể dễ dàng mua được tại các trên địa bàn Hà Nội, hoặc những con phố chuyên bán đồ nhựa, đồ gia dụng như: Phùng Hưng, Hàng Khoai…

Đáng chú ý, những sản phẩm cốc nhựa nhiều kích cỡ này có giá rẻ từ 10.000 – 20.000 đồng/lô 50 chiếc. Nếu mua số lượng lớn còn được giá tốt hơn.

Không những vậy, đồ nhựa dùng một lần còn được rao bán tràn lan trên các trang mạng với giá bán từ 17.000 – 25.000 đồng/túi 50 chiếc.

Cốc nhựa dùng một lần có chứa chất làm suy giảm hệ miễn dịch vẫn được dùng tràn lan - Ảnh 1
Cốc nhựa đang được sử dụng tràn lan tại các cửa hàng, quán vỉa hè. Ảnh P.H.
Chúng ta quan sát, dễ dàng phát hiện được rằng, người tiêu dùng Việt Nam, nhất là ở thành phố, khu đô thị đã quen việc sử dụng cốc nhựa dùng một lần. Người dùng lý giải: Cốc nhựa dùng một lần có tính năng nhẹ, bền, tiện vận chuyển.

Đặc biệt vào mùa hè, nhu cầu uống nước mát tăng cao, các cửa hàng đồ uống, đồ ăn nhanh, trà đá ven đường… sử dụng cốc nhựa dùng một lần thay cho mọi loại cốc khác số lượng tăng đến chóng mặt. Cũng theo đó, số lượng tiêu thụ sản phẩm nhựa từ những cửa hàng này tăng gấp nhiều lần mỗi ngày.

PV tiếp xúc với chị Hoàng Thị H., người đi giao cốc nhựa dùng một lần (quê ở Hưng Yên), thì được biết, chị cũng lấy buôn từ nhà sản xuất thủ công, chứ không phải là người trực tiếp làm ra sản phẩm.

Theo chị H., mỗi một cơ sở sản xuất cốc nhựa dùng một lần có hàng trăm người rao bán mối nhỏ và đại lý lớn. "Tôi là người rao bán mối nhỏ. Sáng sớm hàng ngày, tôi đến lấy hàng và đi bỏ mối quen, rao bán cho mối mới".

PV hỏi, thế chất lượng, mẫu mã nào bán chạy nhất? Chị H. cười, bảo: "Đồ dùng một lần, lấy đâu ra chất lượng. Nó cứ dai là được. Mẫu mã đẹp, giá cạnh tranh là bán được nhiều hàng."

Người tiêu dùng Việt Nam vẫn thờ ơ

Trao đổi với PV, chị Vân (quản lý của một cửa hàng trà sữa Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội cho biết, trung bình mỗi ngày quán trà sữa của chị tiêu thụ khoảng 200-300 cốc nhựa dùng một lần. “Vào mùa hè thì lượng khách uống nhiều hơn nên quán tôi trung bình một ngày có thể tiêu thụ đến gần 500 cốc”, chị Vân nói. Chị Vân cũng khẳng định, không thể thay thế cốc nhựa bằng sản phẩm khác vì giá thành rẻ, tính tiện dụng cũng như... "mọi người dùng thì mình cũng dùng".

Chị Phạm H. T. (chủ một cửa hàng bán chè trên đường Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Từ nhiều năm nay cốc nhựa dùng một lần là sản phẩm được các cửa hàng quanh khu dùng để đựng cho khách mua chè đem về cũng như phục vụ gọi ship. Chắc chắn vào mùa hè nắng nóng, lượng cốc nhựa tiêu thụ sẽ tăng cao. Đôi khi nhân viên văn phòng gọi đặt hàng số lượng nhiều, cốc nhựa là sản phẩm lý tưởng để vận chuyển vì gọn nhẹ. Mà mùa hè chủ yếu khách hay gọi giao hàng vào ban ngày, tối mọi người mới ra ngoài ăn đông hơn. Cốc nhựa chúng tôi phải nhập liên tục số lượng lớn mới đủ tiêu thụ”.

Hầu hết cốc nhựa được làm từ Bisphenol-A (BPA), hóa chất nhân tạo được dùng trong sản xuất các sản phẩm làm bằng chất dẻo polycarbonate. Đặc biệt, khi đổ các chất lỏng nóng vào cốc nhựa thì những hóa chất này cũng nóng lên. Đáng lưu ý, những hóa chất của các sản phẩm nhựa này gây béo phì và các vấn đề khác ảnh hưởng sức khỏe, suy giảm hệ miễn dịch của người dùng.

Nhiều nước “cấm cửa” cốc nhựa dùng một lần


Pháp là nước đầu tiên thông qua việc cấm sử dụng dụng cụ chứa thức ăn, đồ uống bằng nhựa dùng một lần. Đây là vật dụng được làm từ 50% vật liệu sinh học có nguồn gốc tự nhiên vào năm 2020. Con số này sẽ tăng lên 60% vào năm 2025.

Cốc nhựa dùng một lần có chứa chất làm suy giảm hệ miễn dịch vẫn được dùng tràn lan - Ảnh 2
Cốc nhựa dùng một lần bị cấm tại nhiều nước trên thế giới. Ảnh CNN.
Pháp hy vọng sẽ trở thành nước đi tiên phong trên thế giới về các giải pháp cải thiện môi trường và năng lượng. Pháp cũng áp đặt lệnh cấm phân phối túi nylon tại các siêu thị.

Trước đó, Bangladesh là quốc gia Châu Á đang phát triển đầu tiên cấm sử dụng túi nylon từ năm 2002 sau khi hệ thống thoát nước của nước này “bất lực” vì rác thải nylon sau trận lũ lụt.

Hưởng ứng theo sau đó, các quốc gia như: Nam Phi, Kenya, Mexico, Trung Quốc… và một số bang tại Mỹ cũng ban hành những điều luật tương tự nhằm bảo vệ môi trường.

Hiểm họa khôn lường từ nhựa và nylon

Người sử dụng cốc hay các vật phẩm khác bằng nhựa dùng một lần để đựng thức ăn nóng, lạnh thường bỏ qua những tác dụng phụ mà nhựa có thể gây ra khi tiếp xúc trực tiếp.

Trước đó, Giáo sư Vande Voort, trường Đại học California, Mỹ cảnh báo rằng: Những đứa trẻ khi nhiễm BPA khi còn trong bụng mẹ có thể khiến phụ nữ đối diện với nhiều nguy cơ rối loạn về sinh sản sau này.

Cụ thể, BPA khiến các tế bào trứng có thêm nhiều nhiễm sắc thể ở phụ nữ, dẫn đến sinh con gặp các rối loạn như hội chứng Down hoặc sẩy thai. Nghiên cứu của giáo sư cũng cho thấy bào thai bị phơi nhiễm BPA có vấn đề về sự hình thành các nang, là những cấu trúc bao quanh trứng khi chúng phát triển có thể hủy hoại sự phát triển của trứng trước khi hình thành.

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, khối lượng nhựa và nylon người dân thải ra mỗi năm đủ để trải 4 lần bao quanh Trái Đất. Với lượng tiêu thụ khổng lồ này, trong tương lại sẽ có thêm hàng tỷ tấn nhựa được thải ra ngoài đại dương, đe dọa hệ sinh thái và sự sống của sinh vật biển.

Chất thải nhựa đang thực sự đe dọa nghiêm trọng đến môi trường, xã hội và sức khỏe con người. Cộng đồng xã hội toàn thế giới đang đối mặt với thách thức lớn này.

Hà Phương/Thoidai

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục