Lo trái cây ngoại kém an toàn, nhiều người quay về dùng hàng nội

Hiện nay, một số người tiêu dùng dần quay về với trái cây trong nước với mức giá rẻ, an toàn hơn.

Việc Cơ quan Thực phẩm an toàn của Australia thông báo thu hồi sản phẩm quả mọng đông lạnh có nguồn gốc từ Trung Quốc bị nhiễm virus viêm gan A. Một số người sử dụng đã bị nhiễm bệnh khiến không ít người tiêu dùng Việt Nam lo ngại.

Theo nguyên tắc, trái cây là mặt hàng thuộc danh mục vật thể phải kiểm dịch thực vật, phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu VN, thế nhưng thị trường xách tay, nhập khẩu không chính thức mặt hàng này lại khá sôi động.

Điều bất ngờ với không ít người tiêu dùng là các sự cố về chất lượng trái cây lại xảy ra từ những nước phát triển, có nền nông nghiệp hiện đại, chất lượng đáng tin cậy. Một số người tiêu dùng dần quay về với trái cây trong nước với mức giá rẻ, an toàn hơn.

Lo trái cây ngoại kém an toàn, nhiều người quay về dùng hàng nội - Ảnh 1
Khách hàng mua trái cây ngoại tại TP HCM

So với 3-4 năm trước, chưa bao giờ người tiêu dùng dễ dàng mua trái cây ngoại nhập như hiện nay. Trên mạng, vào chợ, siêu thị hay các cửa hàng trái cây nhập khẩu người tiêu dùng đều có thể tìm thấy táo, lê, cherry, dâu đến nho, cam... mỗi loại trái cây có đến vài chục nhãn khác nhau. Như chỉ riêng chọn mặt hàng nho khách cũng bị hoa mắt với nho Mỹ, nho Australia, nho Peru, nho không hạt đen, đỏ...

Trái ngược với cảnh sôi động trước tết, theo ghi nhận, hiện nay trái cây ngoại khá èo uột. Tại nhiều cửa hàng trái cây ngoại cho thấy, lượng hàng khá thưa thớt. Tại một cửa hàng trái cây đường Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình), trên kệ hàng chỉ còn lê, táo, cam, chà là Mỹ với mức giá khá cao, lê Mỹ được bán 119.000 đồng/kg, hay táo Envy 299.000 đồng/kg.

Ngay tại khu vực bán rất nhiều trái cây ngoại như chợ Nguyễn Văn Trỗi (Q.3) hay chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) phổ biến và nhiều nhất vẫn là táo, nho và cam Mỹ, bên cạnh các loại trái cây lạ lẫm như cam vàng Nam Phi hay chuối Philippines.

Những thông tin về trái cây ngoại gặp phải vấn đề chất lượng khiến sức mua thị trường này có dấu hiệu chững lại. Tiểu thương cho hay do trái cây trong nước đang bán rất hút hàng nên trái cây ngoại nhập cũng không mặn mà nhập về nhiều.

Bên cạnh đó do đầu năm người dân có nhu cầu đi lễ chùa nên hàng trái cây ngoại khó bán hơn bình thường. Theo các tiểu thương chợ đầu mối Thủ Đức, thị trường trái cây ngoại đang dần bị thu hẹp do xu hướng tiêu dùng không còn quá mặn mà như trước.

Chủ sạp tên Thu Phượng cho biết phần lớn các chợ giờ thịnh các loại trái cây nội. Nguyên mùa tết trái cây nội gần như bán hơn hẳn những năm trước. Chủ sạp Thu Nga, chợ Hóc Môn, cho hay chưa năm nào bán được hàng như năm nay, từ mãng cầu, dưa hấu, thanh long cận tết người dân đi mua rất nhiều.

Các sạp tại chợ Hóc Môn cũng lần đầu tiên sau nhiều năm, tiểu thương cho hay, đều rủ nhau bán hàng cả mùng 1 tết. Trong khi trái cây ngoại dù vẫn được ưa biếu tặng, nhưng cũng không còn mấy hấp dẫn. Tại chợ Thủ Đức chỉ có 5-7 sạp bán các loại trái cây nhập để cung ứng cho thị trường.

Trước thông tin sản phẩm trái cây đông lạnh đóng gói xuất phát từ Trung Quốc có liên quan đến các trường hợp bị nhiễm viêm gan siêu vi A, ông Võ Hoàng Anh - giám đốc marketing Saigon Co.op - cho biết 100% mặt hàng tươi sống, trái cây đang bán trên hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op hoàn toàn không có hàng Trung Quốc, chỉ có các loại trái cây nhập khẩu gồm nho đỏ, táo, lê, cherry, kiwi... theo mùa nhập từ Washington, New Zealand, Nam Phi, Hàn Quốc và Chile.

Ông Hoàng Anh khẳng định siêu thị có quy trình kiểm soát chất lượng đối với nhóm hàng này. Theo đó, hàng nhập khẩu phải có đây đủ hồ sơ hải quan, bao gồm giấy phép đủ điều kiện lưu hành và đã qua kiểm dịch thực vật của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

“Trái cây nhập khẩu chủ yếu từ xứ ôn đới nên yêu cầu bảo quản đúng nhiệt độ và các điều kiện trang thiết bị phù hợp tránh làm biến chất sản phẩm” - ông Hoàng Anh nói.

Khi nhập hàng về, bộ phận quản lý chất lượng lấy mẫu tự kiểm và phối kiểm tại ba điểm vào ba thời điểm bất kỳ tại tổng kho, tại khi nhập về siêu thị và trong quá trình kinh doanh. Trong đó, tập trung kiểm tra các chỉ tiêu hóa lý như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản...

Bà Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho rằng, người Việt Nam chuộng trái cây nhập khẩu, trong đó phần lớn là loại trái cây từ xứ ôn đới vì sự đa dạng chủng loại, hương vị...

Xét về độ an toàn, trái cây nhập khẩu vẫn được đánh giá cao hơn hàng trong nước vì quy trình kiểm tra vệ sinh an toàn của các nước phát triển khá tốt, tiêu chuẩn an toàn đòi hỏi cao hơn VN.

Trong khi trái cây là mặt hàng không phải ai muốn nhập vào VN cũng được, phải có giấy phép và tuân thủ nhiều yêu cầu nên vấn đề chất lượng không quá lo lắng, trừ một số mặt hàng nhập từ Trung Quốc.

Theo Tuổi trẻ

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục