Quảng cáo trà thảo mộc Dr. Thanh ngừa Covid-19: “Gây nhầm lẫn, khiến người dân lơ là phòng dịch”

Với những tiêu đề được giật lên đầy tính khẳng định như: “Chuyên gia khuyên dùng thức uống thảo mộc phòng chống virus Covid-19”, “Uống trà thảo mộc mỗi ngày giúp kháng virus, phòng chống dịch Covid-19”,… khiến một số người dân lầm tưởng rằng, chỉ cần uống trà Dr. Thanh mỗi ngày, là đã có thể tự bảo vệ mình trước đại dịch chết người.

Quảng cáo trà thảo mộc Dr. Thanh ngừa Covid-19: “Gây nhầm lẫn, khiến người dân lơ là phòng dịch” - Ảnh 1
Nhiều bài viết có tiêu đề khẳng định uống trà thảo mộc sẽ phòng chống được Covid-19


Thông điệp dễ gây nhầm lẫn

 Trước rất nhiều bài viết với thông điệp: Uống trà thảo mộc (mà cụ thể là nhãn hiệu Dr. Thanh của Tập đoàn Tân Hiệp Phát) có thể phòng chống được Covid-19, nhiều người dân cho rằng, ban đầu họ cũng nhầm lẫn đây là thức uống có thể ngăn ngừa được virus Corona. Anh Nguyễn Khanh, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM bức xúc: “Mẹ tôi ở quê, đọc được các thông tin, liền gọi điện vào khuyên các con nên mua thứ trà đóng chai này trữ trong nhà, để dành uống ngừa bệnh Covid-19. Trong khi cách phòng ngừa hữu hiệu nhất hiện tại là đeo khẩu trang, rửa tay, hạn chế đến chỗ đông người. Những quảng cáo dễ gây nhầm lẫn như thế này, lý ra không nên xuất hiện trong thời điểm dịch bệnh hoành hành”.

 

Quảng cáo trà thảo mộc Dr. Thanh ngừa Covid-19: “Gây nhầm lẫn, khiến người dân lơ là phòng dịch” - Ảnh 2
Một bài viết có nhiều thông tin gây nhầm lẫn về công dụng của trà thảo mộc đóng chai Dr. Thanh. Ảnh: MXH

Chị Bùi Thị Kim Dung, ngụ quận 9, TP.HCM nêu ý kiến: “Thực sự lúc mới đọc bài, tôi cũng tưởng trà Dr. Thanh có chứa các loại thuốc giúp kháng virus Corona. Đọc kỹ lại mới biết là họ nói uống trà này tăng sức đề kháng, mà tăng sức đề kháng thì ngừa được Corona. Nếu vậy thì tất cả các sản phẩm thuốc bổ, sữa, thức ăn… khi nạp vào cơ thể đều có thể phòng ngừa Covid-19. Quảng cáo kiểu “lập lờ” này thật khó chấp nhận”.

Theo Cục An toàn thực phẩm, từ cuối tháng 4/2020 đến ngày 8/5/2020, đã phát hiện và xử lý vi phạm gần 10 sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe được quảng cáo như thuốc chữa bệnh, lừa dối người tiêu dùng. Những sản phẩm này được quảng cáo trên các trang web, mạng xã hội như "thần dược" điều trị khỏi một số bệnh: Đái tháo đường, tim mạch, xương khớp, thậm chí tiêu diệt được cả virus SARS-CoV-2, tăng sức đề kháng của cơ thể…

Theo Luật sư Tạ Minh Trình - Giám đốc Công ty Luật TNHH Ocean Stars Lawyers, Đoàn Luật sư TP.HCM, các bài viết quảng cáo nêu trên có thể bị xử phạt vì gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. “Nếu thông tin quảng cáo này xuất phát từ nhà sản xuất nhằm mục đích bán được hàng thì tôi cho rằng đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, đưa ra các thông tin nhằm quảng cáo gây nhầm lẫn. Hành vi này có thể phạt tiền từ 50 – 70 triệu đồng (khoản 5 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo và được sửa đổi tại Nghị định 28/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017)”, luật sư Trình phân tích.

Luật sư Tạ Minh Trình còn cho biết thêm: “Bên cạnh đó, người có hành vi quảng cáo gian dối đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội quảng cáo gian dối theo quy định tại điều 197 Bộ luật Hình sự năm 2015”.

Có thể khiến người dân lơ là phòng dịch

 Cùng quan điểm, nếu đây là chủ đích quảng cáo của Tân Hiệp Phát, tập đoàn này đã vi phạm luật, luật sư Lê Trung Phát, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết: “Ngoài số tiền bị phạt hành chính từ 50 – 70 triệu đồng theo khoản 5 Điều 51 NĐ 158/2013/ND-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo, nhà sản xuất còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc cải chính thông tin cho nội dung đã quảng cáo”.

                                      
Quảng cáo trà thảo mộc Dr. Thanh ngừa Covid-19: “Gây nhầm lẫn, khiến người dân lơ là phòng dịch” - Ảnh 3
                                              Luật sư Lê Trung Phát. Ảnh: NVCC

Luật sư Lê Trung Phát còn chia sẻ: “Những thông tin như trên, rất dễ khiến người dân chủ quan hơn trong công tác phòng chống dịch bệnh. Ở thành phố, chúng ta tiếp cận thông tin một cách cẩn trọng hơn, nhưng ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, quảng cáo kiểu này có thể khiến người dân nghĩ rằng: Chỉ cần uống trà thảo mộc của Tân Hiệp Phát, sẽ tăng khả năng miễn dịch với virus Corona. Mà việc nâng cao hệ thống miễn dịch cũng có nhiều yếu tố, ăn uống, luyện tập thể thao… Loại thông tin này, khiến người dân tưởng rằng trà thảo mộc là “lá bùa hộ thân”, rồi lơ là đeo khẩu trang, rửa tay, và như vậy sẽ khiến cho tình hình phòng chống dịch bệnh càng trở nên phức tạp hơn”.

Quảng cáo trà thảo mộc Dr. Thanh ngừa Covid-19: “Gây nhầm lẫn, khiến người dân lơ là phòng dịch” - Ảnh 4
"Nhiều thông tin chung chung, khiến người dân tưởng rằng trà thảo mộc là “lá bùa hộ thân”, rồi lơ là việc phòng chống dịch đúng cách". Ảnh: MXH

 

Luật sư Tạ Minh Trình khuyến nghị thêm: “Trong bối cảnh cả nước đang phải gồng mình phòng chống dịch bệnh, mỗi người dân tốt nhất nên tuân thủ theo hướng dẫn chung của Bộ Y tế về phòng chống Covid-19, như đeo khẩu trang đúng cách, rửa tay diệt khuẩn… Và rất cần thiết phải sàng lọc thông tin, đừng để tiền mất tật mang”.

Lợi dụng lỗ hổng luật để quảng cáo sai sự thật

Luật sư Lê Trung Phát cho rằng, nhiều nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ bất chấp việc bị phạt hành chính để quảng cáo sai sự thật là do chế tài xử phạt còn quá nhẹ. “Rõ ràng những quảng cáo gian dối khi đã được phát đi, sẽ có rất nhiều người tiêu dùng tiếp cận và họ có thể đã sử dụng sản phẩm, dịch vụ nói trên, đem lại lợi nhuận cho nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ. Nên sau đó, có bị phạt 70 triệu thì nhiều nơi vẫn không hề e ngại, có thể số tiền này đã nằm trong tính toán thu chi của họ. Bởi chính các nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ cũng hiểu rằng, để bị xử lý hình sự về tội “quảng cáo gian dối” theo Điều 197 BLHS 2015, thì yếu tố trước đó là họ đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính. Đây thật sự là một lỗ hổng lớn của pháp luật đối với các hành vi gian lận thương mại. Và chúng ta cần sớm có quy định sửa đổi cho phù hợp, tránh những người có hiểu biết pháp luật lợi dụng lỗ hổng của luật mà trục lợi cho chính mình”, luật sư Lê Trung Phát phân tích.

 

Những công ty từng bị xử phạt vì quảng cáo sai sự thật

Xử phạt Khải Tín Group vì thổi phồng dự án nhà ở- Ngày 11/7/2020, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết sẽ xử phạt hành chính đối với Công ty CP Tập đoàn Khải Tín (Khải Tín Group) do vi phạm đăng tải, quảng cáo trên môi trường mạng các sản phẩm dịch vụ, hàng hóa liên quan, đồng thời buộc tiến hành các biện pháp khắc phục theo đúng quy định. Theo đó, tại công trình xây dựng tại số 67 đường Vạn Xuân, TP.Huế, dù là nhà ở riêng lẻ nhưng được Khải Tín Group với vai trò là nhà môi giới bất động sản thổi phồng lên thành dự án. Công ty này đăng tải quảng cáo trên nhiều trang mạng xã hội, báo chí khẳng định mình là chủ đầu tư và đây là dự án bất động sản với nhiều tiện nghi đăng cấp 5 sao, rao giá bán khoảng 4 tỉ đồng/căn.

Xử lý Công ty Trí Lực quảng cáo sai sự thật- Ngày 10/4/2020, Cục An toàn thực phẩm cho biết, đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý Công ty cổ phần dược phẩm Trí Lực Việt Nam (ở Hà Nội) đăng quảng cáo sản phẩm Tengsu không rõ nguồn gốc xuất xứ, sai sự thật. Quảng cáo này còn sử dụng uy tín của cơ quan y tế cho quảng cáo sản phẩm và đưa ra một số thông tin không rõ ràng, chưa được kiểm chứng. Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo người tiêu dùng không mua sản phẩm Tengsu trên trang mạng.

 

 

 

 

Theo Ngaynay


KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục