Techcombank nợ xấu hàng ngàn tỷ, vẫn ‘rót’ cho doanh nghiệp BĐS mới thành lập 7,5 ngàn tỷ đồng

Báo cáo tài chính mới nhất của Ngân hàng Thương mại cổ phần kỹ thương Việt Nam (Techcombank) do ông Hồ Hùng Anh làm Chủ tịch HĐQT cho thấy, nợ xấu đang ở mức 3,7 ngàn tỷ, trong đó nợ có khả năng mất vốn là 2,3 ngàn tỷ. Đặc biệt, Techcombank còn “mạo hiểm” cho 1 doanh nghiệp bất động sản mới thành lập chưa đầy 2 năm vay tới gần 6.000 tỷ đồng và tiếp tục chi 1,5 ngàn tỷ đồng để mua trái phiếu của chính doanh nghiệp này.

Techcombank nợ xấu hàng ngàn tỷ, vẫn ‘rót’ cho doanh nghiệp BĐS mới thành lập 7,5 ngàn tỷ đồng - Ảnh 1
Tháng 4/2018, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank vừa xin từ nhiệm thành viên HĐQT Masan Group. Ông Hồ Hùng Anh sinh năm 1970, trình độ kỹ sư điện tử. Từ tháng 12/2008, ông là Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan (tên cũ CTCP Đầu tư Masan). Từ năm 2005 đến tháng 8/2006, ông là Phó Chủ tịch HĐQT Techcombank và giữ vị trí Chủ tịch ngân hàng từ tháng 5/2008.

 

Liệu có mạo hiểm?

Huy động đạt 220 nghìn tỷ đồng, giúp Techcombank duy trì thanh khoản dồi dào và tỷ lệ cho vay trên tiền gửi đạt 70,9%, thấp hơn nhiều so với giới hạn 80% của Ngân hàng Nhà nước. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn ở mức 36,1%, vượt ngưỡng yêu cầu thanh khoản của cơ quan quản lý. Tỷ lệ nợ xấu được duy trì ở mức 1,8% nhờ chiến lược quản trị rủi ro thận trọng.

Techcombank cũng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm với tổng mức cho vay lên đến hơn 205 nghìn tỷ đồng, tăng tới 28% so với đầu năm.

Báo cáo cũng ghi nhận, nợ phải trả của Techcombank tính đến ngày 30/9 là 309 ngàn tỷ đồng, trong đó, đáng chú ý là tiền gửi khách hàng 220 ngàn tỷ đồng, phát hành giấy tờ có giá là 14 ngàn tỷ đồng, các khoản nợ khác (công nợ, chi phí khoản lãi, phí phải trả) là gần 14 ngàn tỷ đồng.

Theo đó, nợ xấu của Techcombank đang ở mức 3,7 ngàn tỷ, trong đó nợ có khả năng mất vốn là 2,3 ngàn tỷ.

Vào tháng 9/2019, Ngân hàng Nhà nước đưa ra cảnh báo rủi ro và yêu cầu các ngân hàng thương mại siết chặt hoạt động đầu tư trái phiếu DN, nhất là trái phiếu của các DN bất động sản. Theo Ngân hàng Nhà nước, hoạt động đầu tư trái phiếu DN của các ngân hàng thương mại nói chung tiềm ẩn rủi ro lớn. Một số ngân hàng có số dư đầu tư trái phiếu DN chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản và tiếp tục tăng nhanh. Cơ quan này nhấn mạnh sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động đầu tư trái phiếu DN.

Tiếp đến, ngày 15/11/2019, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Thông tư số 22/2019 qui định các giới hạn, tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực từ 1/1/2020. NHNN còn tăng hệ số rủi ro đối với các khoản vay phục vụ kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%. Ngoài ra, NHNN cũng áp dụng hệ số rủi ro từ 50% - 150% đối với các khoản cho vay cá nhân phục vụ nhu cầu mua nhà.

Techcombank nợ xấu hàng ngàn tỷ, vẫn ‘rót’ cho doanh nghiệp BĐS mới thành lập 7,5 ngàn tỷ đồng - Ảnh 2
NewCo hiện đang nợ Techcombank gần 6.000 tỷ đồng (ngắn hạn và dài hạn), đồng thời là khoản nợ 1.500 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu cũng do Techcombank mua.


Tuy nhiên, báo cáo tài chính mới đây của Công ty cổ phần dịch vụ Newco tiết lộ, hiện doanh nghiệp này đang có khoản vay ngắn hạn 1.487 tỷ đồng và vay dài hạn 4.500 tỷ đồng từ ngân hàng Techcombank. Theo đó, tổng cộng NewCo nợ Techcombank gần 6.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, đến cuối tháng 6, NewCo còn khoản nợ 1.500 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu. Được biết, số trái phiếu này từng được phát hành hồi tháng 5/2019 và Techcombank là trái chủ duy nhất. Số trái phiếu này có kỳ hạn 3 năm, lãi suất kỳ đầu tiên là 10,35%/năm.

Điều bất ngờ là NewCo mới chỉ được thành lập được vỏn vẹn 2 năm. Báo cáo tài chính bán niên năm 2019 (riêng lẻ), không ghi nhận đồng doanh thu bán hàng nào trong 6 tháng đầu năm, trong khi đó ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính đạt 278,5 triệu đồng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm đạt gần 189 triệu đồng.

Trước đó, trong 6 tháng đầu năm 2018, Newco không có hoạt động kinh doanh, không ghi nhận doanh thu hay chi phí nào dù đã được thành lập từ tháng 11/2017.

Tìm hiểu cho thấy, NewCo được thành lập vào tháng 11/2017, đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại số 13, Hai Bà Trưng, Phường Tràng Tiền, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Khi mới thành lập, quy mô vốn điều lệ đăng ký của NewCo là 64,8 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là: Nguyễn Việt Sơn (15,43%), Nguyễn Quang Khải (69,13%) và Phan Trung Hiếu (15,43% vốn điều lệ). Người đại diện theo pháp luật là bà Bạch Thị Mai Hoa, sinh năm 1970.

Bà Hoa cũng từng là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Thành phố Mặt Trời, được thành lập vào năm 2006, đăng ký địa chỉ trụ sở chính trùng với NewCo.

Tính tới tháng 4/2019, quy mô vốn của NewCo đã được nâng lên mức 1.574 tỷ đồng, giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật do ông Nguyễn Mạnh Cường (sinh năm 1965) đảm nhiệm.

Dự án Grand World và mối liên quan của Techcombank

Dự án “Khu du lịch và biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Grand World” tọa lạc tại Bãi Dài, huyện Phú Quốc (Grand World), tỉnh Kiên Giang. Dự án này nằm trong tổng thể khu Bãi Dài (diện tích 567 ha, với chiều dài bãi biển 15km) từng là một trong những dự án bất động sản giàu tham vọng của CTCP địa ốc Long Điền (Mã CK: LDG).

Dự án ban đầu có quy mô 69,41 ha nhưng sau một số lần điều chỉnh đã tăng diện tích lên hơn 85,11 ha. Grand World được Long Điền triển khai thi công từ đầu Quý 3/2014, với tổng mức đầu tư dự kiến là 4.264 tỷ đồng, hoàn thành vào năm 2020.

Trong một tài liệu công bố vào năm 2014, Long Điền cho biết dù nhận được sự hỗ trợ lớn từ các cổ đông nhưng cũng không đáp ứng được nhu cầu vốn. Việc huy động vốn từ các tổ chức tín dụng cũng gặp một số khó khăn nhất định và việc khắc phục không hoàn toàn thuộc về chủ động của công ty.

Techcombank nợ xấu hàng ngàn tỷ, vẫn ‘rót’ cho doanh nghiệp BĐS mới thành lập 7,5 ngàn tỷ đồng - Ảnh 3
Dường như NewCo đang "tay không bắt giặc" khi thực hiện dự án Khu du lịch và biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Grand World.

 

Tới giữa năm 2016, dòng vốn cho dự án Grand World được “thắp lên” khi được ngân hàng VietinBank bảo lãnh và tài trợ giai đoạn 1.

Cuối năm 2018, Long Điền công bố thông tin chuyển nhượng dự án Grand World có giá trị hợp đồng là 1.184 tỷ đồng.

Sau đó 6 tháng, trong một tài liệu công bố kết quả phát hành trái phiếu của CTCP Dịch vụ NewCo (NewCo), chủ đầu tư mới của dự án Grand World được hé lộ là Công ty TNHH Bất động sản NewVision (NewVision Land).

Theo đó, NewCo cho biết đã ký kết thỏa thuận đặt cọc với NewVision Land để mua 7 tòa căn hộ khách sạn - condotel tại dự án Grand World.

Trong khi đó, NewVision Land được thành lập vào tháng 6/2012, đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại ngõ 95, phố Chùa Bộc, Phường Khương Thượng, Quận Đống Đa, Hà Nội.

Hiện, quy mô vốn điều lệ của NewVision Land đạt 2.500 tỷ đồng, với 4 cổ đông tham gia góp vốn.

Trong đó, cổ đông pháp nhân duy nhất là Công ty TNHH Đầu tư xuất nhập khẩu tổng hợp Đức Mai sở hữu tới 50% vốn điều lệ. Ba cá nhân còn lại là Lê Thu Phương, Cao Văn Chinh và Bùi Hồng Minh lần lượt sở hữu 10%, 20% và 20% vốn điều lệ của NewVision Land.

Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của NewVision Land là ông Cao Văn Chinh (sinh năm 1984).

Tháng 5/2019, bất ngờ Công ty cổ phần dịch vụ Newco đã sử dụng toàn bộ quyền và lợi ích phát sinh từ thỏa thuận đặt cọc với NewVision, cùng với hơn 26 triệu cổ phần của một tập đoàn bất động sản lớn trong nước, 1.250 tỷ đồng phần vốn góp của các đông tại NewVision và một số tài sản khác để làm tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu 1.500 tỷ đồng phát hành ngày 2/5/2019.

Nhà đầu tư tổ chức mua lại toàn bộ số trái phiếu này là ngân hàng Techcombank. Song, dòng vốn từ Techcombank “rót” vào dự án Grand World chưa dừng lại ở đó.

Trong báo cáo tài chính công bố mới đây, NewCo còn hé lộ thêm những khoản vay ngắn hạn và dài hạn với Techcombank với tổng giá trị lên tới 5.995 tỷ đồng.

Đồng thời, tính đến ngày 30/6/2019, NewCo cũng ghi nhận phát sinh khoản phải thu dài hạn từ việc “đầu tư” vào NewVision Land với giá trị đạt 7.502 tỷ đồng.

Như vậy, có thể hiểu rằng, dòng vốn mà NewCo huy động được từ Techcombank qua phát hành trái phiếu và vay vốn tín dụng đều được “rót” vào NewVison Land - chủ đầu tư dự án Grand World (Phú Quốc).

Trên trang web chính thức của NewCo ghi rõ: Hiện tại, Công ty Cổ phần Dịch vụ NewCo đang thực hiện hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH Bất động sản NewVision để thực hiện chương trình đầu tư vào Dự Án “Khu du lịch và biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Grand World” tại khu du lịch sinh thái Bãi Dài, xã Gành Dầu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Mặc dù đã có cảnh báo từ Ngân hàng Nhà nước nhưng không hiểu vì lý do gì Techcombank vẫn cho NewCo – mới thành lập chưa đầy 2 năm vay gần 6.000 tỷ đồng và bỏ 1,5 ngàn tỷ đồng để mua trái phiếu của doanh nghiệp này? Các cổ đông của Techcombank sẽ nghĩ gì về thương vụ ngàn tỷ khó hiểu này? NewCo - doanh nghiệp mới thành lập lấy gì đảm bảo để Techcombank "mạo hiểm" bỏ ra gần 6.000 tỷ đồng cho vay và 1,5 ngàn tỷ đồng mua trái phiếu? Ai đã đứng ra chịu trách nhiệm thẩm định năng lực tài chính của NewCo?

Theo Minh Tâm/Suckhoecongdong

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục