Giá xe VinFast nằm ở nấc thang nào trong phân khúc cao cấp?

Mới đây, hãng xe hơi VinFast đã công bố giá bán những sản phẩm ôtô thương hiệu Việt đầu tiên của hãng. Trong giai đoạn đầu, bộ 3 mẫu ôtô đầu tiên mang thương hiệu VinFast gồm Lux SA2.0, Lux A2.0 và Fadil đều được áp dụng chính sách giá “ba không” bao gồm: không chi phí khấu hao, không chi phí tài chính và không lãi.

Giá xe VinFast nằm ở nấc thang nào trong phân khúc cao cấp? - Ảnh 1
Dòng Sedan Lux A 2.0 của Vinfast có mức giá 1,25 tỷ đồng sau thuế.
Tuy nhiên sau đó, cũng có một số ít ý kiến cho rằng giá của hai mẫu sedan và SUV đầu tiên của VinFast là khá cao so với những sản phẩm đang bán trên thị trường. Đi kèm với đó, một số người tỏ ra hoài nghi về khả năng cạnh tranh của những sản phẩm non trẻ "made in Vietnam". Vậy thực chất, mức giá của VinFast Lux SA2.0 và A2.0 là rẻ hay đắt?

VinFast Lux thuộc phân khúc nào?


Một số người cho rằng với mức giá sau VAT là 880 triệu đồng, tương đương với mức giá lăn bánh có thể lên trên 1 tỷ đồng ở các thành phố lớn, mẫu sedan Lux A2.0 sẽ cạnh tranh với Mazda6, Toyota Camry hay Mercedes C-Class. Tương tự như vậy, nhiều người nhìn vào mức giá sau thuế 1,25 tỷ đồng của Lux SA2.0, đem so với những mẫu SUV tầm trung phổ biến như Toyota Fortuner, Ford Everest, Hyundai SantaFe…

Tuy nhiên, với những công nghệ an toàn hàng đầu, nền tảng động cơ hiệu suất cao từ BMW, thiết kế được chắp bút bởi Pininfarina và là một trong những mẫu xe đầu tiên ở Đông Nam Á đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 5, VinFast Lux A2.0 sẽ được định vị cùng phân khúc với BMW 5-series, Mercedes-Benz E-Class hay Audi A6 (giá dao động từ 2,1 đến 2,5 tỷ đồng). Còn VinFast Lux SA2.0 được đặt chung phân khúc với Mercedes-Benz GLC, BMW X3 hay Audi Q5 (giá từ 1,9 đến 2,5 tỷ đồng).

Chính sự khác biệt trong định vị đối thủ và phân khúc cạnh tranh đã dẫn đến những ý kiến khác nhau khi phân tích về giá xe VinFast. Để có được cái nhìn khách quan, hãy cùng lùi lại khoảng thời gian hơn một tháng trước, sau màn ra mắt của hai mẫu xe Lux A2.0 và SA2.0 tại triển lãm Paris Motor Show 2018.

Khi đó, các chuyên gia trong lĩnh vực ôtô xe máy và người tiêu dùng am hiểu đã đưa ra dự đoán về giá xe VinFast dựa trên những thông tin được công bố. Theo đó, tầm giá từ 1,6 đến 1,8 tỷ đồng dành cho Lux A2.0 và SA2.0 nhận được nhiều sự đồng tình, khi đặt trong mối tương quan với các đối thủ cùng phân khúc đến từ châu Âu.

Trên thực tế, mức giá thực sự của VinFast Lux A2.0 là 1,366 tỷ đồng, và Lux SA2.0 là 1,818 tỷ đồng, được giảm xuống mức 800 triệu và 1,136 tỷ đồng trong giai đoạn đầu.

Theo các chuyên gia, với việc là một trong những mẫu xe đầu tiên ở Đông Nam Á đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 5, được định vị cùng phân khúc với BMW 5-series, Mercedes-Benz E-Class hay Audi A6, giá của VinFast Lux A2.0 đang ở mức “mềm” trong dòng cao cấp.

Giá thật của xe VinFast?

Giá xe VinFast nằm ở nấc thang nào trong phân khúc cao cấp? - Ảnh 2
Dòng xe SUV Lux SA 2.0 dựa trên bản thiết kế do người tiêu dùng trong nước lựa chọn. (Ảnh: BTC)

Trên thực tế, để so sánh giá của xe hơi bán tại Việt Nam với dòng xe tương tự ở các nước, cần so sánh mức giá không bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt.
Chẳng hạn, nếu tính giá chiếc VinFast Lux A2.0 ở mức 800 triệu đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt chiếc xe phải gánh là 228 triệu đồng, VinFast chỉ thu về khoảng 571 triệu đồng và còn phải bù lỗ. Câu chuyện này tương tự với giá của SUV VinFast SA2.0 và Fadil.

Ngoài ra, theo thông tin từ nhà sản xuất, hiện tại, tất cả các linh phụ kiện của VinFast Lux đều là loại cao cấp, có giá cao, phần lớn được cung cấp từ những nhà cung cấp của BMW nên việc so sánh giá trị với các dòng xe thấp hơn lại càng không chính xác.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra cho VinFast lại nằm ở thì tương lai về về khả năng cạnh tranh của dòng sản phẩm nội địa này với các đối thủ trên thị trường sau khi chương trình khuyến mãi kết thúc. Khi đó, mức giá sau thuế tương ứng sẽ là 1,5 tỷ đồng và 2 tỷ đồng dành cho Lux A2.0 và SA2.0, cao hơn khá nhiều so với giai đoạn đầu tiên.

Đây là một bài toán khó: liệu có cách nào để giảm giá xe sau khi kết thúc giai đoạn bán hàng với giá “ba không”, qua đó vừa đảm bảo lợi nhuận, vừa giữ được khả năng cạnh tranh?

Trong điều kiện chính sách thuế không thay đổi, cách duy nhất để giảm giá thành sản phẩm là giảm chi phí sản xuất và chi phí bán hàng. Điều này đồng nghĩa với việc phải tăng bằng được tỷ lệ nội địa hóa trong chuỗi phụ trợ, đồng thời tăng sức mua trên thị trường.

Với một thương hiệu non trẻ như VinFast, đây được xem là thách thức lớn, nhưng những con số thống kê đầu tiên về lượng đặt mua xe trong những ngày đầu và mục tiêu nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 60% (tỷ lệ cao nhất từ trước tới nay trong ngành công nghiệp ôtô Việt Nam) đang cho thấy, VinFast đã sẵn sàng để tạo ra một cuộc cách mạng ở thị trường đang còn rất nhiều tiềm năng này./.

Theo VietnamPlus.vn

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục