Chính sách nào có thể gây "nóng" thị trường nhà đất?

(Kinhdoanhnet)-Sau 6 tháng đầu năm 2014, thị trường bất động sản đã đón nhận hàng loạt chính sách mới nhằm mục đích “giải cứu” thị trường bất động sản khỏi bối cảnh trầm lắng trì trệ hiện nay

Chính sách nào có thể gây "nóng" thị trường nhà đất? - Ảnh 1

Trong đó, một số chính sách đáng chú ý phải kể đến: Thông tư 20 cho phép phân lô bán nền (từ 5/1), Nghị định 188 “nới” đối tượng nhà ở xã hội (10/1); Thông tư 02 cho phép các công trình sai phép được nộp phạt để tồn tại (từ 2/4), Thông tư 03 thống nhất một cách tính diện tích căn hộ (từ 8/4)…


Ngay trong tháng 06/2014 thị trường bất động sản sẽ đón thêm 3 chính sách mới với mục tiêu tương tự

Thông tư số 05/2014 (Bộ Xây dựng)

Áp dụng từ ngày 25/6 về việc quy định phí dịch vụ tại các khu nhà chung cư sẽ được tính toán theo cách tính mới phù hợp với diện tích căn hộ mà Bộ Xây dựng đã ban hành tại Thông tư 03.


Theo đó, mức tính phí này được phân bổ theo diện tích thông thủy của căn hộ hoặc phần nhà khách không phải là căn hộ chung cư (kể cả diện tích nhà để xe) thuộc sở hữu riêng của từng chủ sở hữu nhà chung cư.


Thông tư 48 (Bộ Tài chính)

Có hiệu lực thi hành từ 10/6, ban hành hướng dẫn thực hiện việc gia hạn nộp tiền sử dụng đất và tiền mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo Nghị quyết số 01 của Chính phủ.


Nhiều dự án bất động sản sẽ được "giải cứu" bằng việc gia hạn nộp tiền sử dụng đất trong vòng 24 tháng kể từ ngày phải nộp tiền sử dụng đất theo thông báo lần đầu của cơ quan thuế hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền (đối với trường hợp không có thông báo của cơ quan thuế). Hơn nữa, các dự án bất động sản thuộc dạng này cũng không bị tính tiền chậm nộp trong thời gian này.


Đối với dự án bất động sản được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất thì chủ đầu tư không được gia hạn nộp tiền sử dụng đất theo hướng dẫn tại Thông tư này.

Thông tư liên tịch số 01/2014 giữa Bộ Xây dựng, Tư pháp, Tài nguyên và môi trường và Ngân hàng nhà nước Việt Nam vừa ban hành bắt đầu thi hành chính thức từ 16/6

Thông tư này hướng dẫn chi tiết thủ tục thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định tại Nghị định số 71.Gồm các thủ tục như: Thế chấp, công chứng hợp đồng thế chấp và đăng ký thế chấp của tổ chức, cá nhân để vay vốn tại tổ chức tín dụng mua nhà ở trong dự án phát triển nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị của các doanh nghiệp kinh doanh dự án bất động sản.

Đặc biệt, thông tư quy định, bên thế chấp chỉ được thế chấp “nhà trên giấy” tại một tổ chức tín dụng để vay vốn mua nhà ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở của các chủ đầu tư bất động sản.

Với hàng loạt chính sách có hiệu lực, là những tín hiệu đáng vui ở tầng vĩ mô trong việc tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản trong thời gian tới

Nguyễn Lâm ( TH)


KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục