Đề nghị tạm dừng quy hoạch đặc khu kinh tế Phú Quốc

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng cho tạm dừng việc lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế cho tới khi Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua.

Theo tờ trình của UBND tỉnh Kiên Giang, vào tháng 8/2018, Thủ tướng đã đồng ý chủ trương cho phép tỉnh lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc theo định hướng trở thành đặc khu kinh tế. Thực hiện chủ trương này, địa phương đã thực hiện một số thủ tục lập quy hoạch.

Tuy nhiên đến nay, dự thảo luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt vẫn chưa được Quốc hội dự kiến thời gian thông qua, nên việc lập quy hoạch đảo Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi chưa xác định cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục, nội dung quy hoạch và lập hội đồng thẩm định.

Đề nghị tạm dừng quy hoạch đặc khu kinh tế Phú Quốc - Ảnh 1
Tỉnh Kiên Giang đề nghị tạm dừng quy hoạch đặc khu kinh tế Phú Quốc.

UBND tỉnh Kiên Giang cũng cho biết, đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2004 đến nay đã không còn phù hợp với thực tế phát triển huyện đảo Phú Quốc. Thế nhưng, theo luật Quy hoạch, việc xây dựng quy hoạch cấp huyện sẽ được tích hợp vào quy hoạch tỉnh, song nhiều mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế xã hội của đảo Phú Quốc hiện đã vượt quy hoạch được duyệt.

Do vậy, UBND tỉnh Kiên Giang đã đề nghị Thủ tướng xem xét, chấp thuận cho tỉnh tạm dừng việc lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế, cho tới khi luật Đặc khu được Quốc hội thông qua.

Đồng thời lãnh đạo địa phương này cũng đề xuất cho phép tỉnh sử dụng ngân sách địa phương lập mới quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc theo hướng trở thành Khu kinh tế Phú Quốc.

Lý giải về việc xin chủ trương thành lập thành phố Phú Quốc và các phường thuộc thành phố Phú Quốc, UBND tỉnh Kiên Giang cho rằng, mô hình chính quyền nông thôn (huyện) hiện nay không còn khả năng đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới, với nhiều khó khăn, bất cập. Đó là quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, hộ tịch, quản lý xây dựng, trật tự xây dựng, cấp phép đầu tư, vấn đề môi trường sinh thái…

“Vì vậy, việc thành lập thành phố Phú Quốc và các phường thuộc thành phố Phú Quốc là cần thiết để thiết lập mô hình quản lý theo chính quyền đô thị cho phù hợp và tạo sự cân đối về phát triển đô thị giữa các khu vực, vùng miền trong cả nước... Mặt khác, việc thành lập thành phố Phú Quốc sẽ tạo sức hấp dẫn thu hút dầu tư, khơi dậy tiềm năng du lịch, tạo đà phát triển kinh tế xã hội", tờ trình của UBND tỉnh Kiên Giang nêu rõ.

Đề nghị tạm dừng quy hoạch đặc khu kinh tế Phú Quốc - Ảnh 2
Văn phòng Chính phủ cũng vừa có văn bản lấy ý kiến 4 Bộ về đề nghị dừng quy hoạch đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế

Trước đề nghị của tỉnh Kiên Giang, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản lấy ý kiến 4 bộ gồm Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về đề nghị tạm dừng quy hoạch đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế của tỉnh này.

Theo đề án phát triển 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc của Chính phủ, đảo Phú Quốc được định hướng phát triển không gian các khu chức năng, vùng phát triển đô thị, không gian vùng phát triển khu phức hợp du lịch, dịch vụ và dân cư, không gian vùng phát triển nông nghiệp và lâm nghiệp, không gian vùng đặc biệt với sân bay, cảng biển, khu phi thuế quan.

Đề án này cũng ước tính đầu tư toàn xã hội để phát triển các lĩnh vực theo quy hoạch khoảng 40 tỉ USD, tương đương 900.000 tỉ đồng trong giai đoạn 2016 - 2030, trong đó vốn nhà nước 59%, tư nhân 41%.

Trước đó, ngay khi xuất hiện thông tin Phú Quốc được quy hoạch trở thành đặc khu kinh tế, đã có một làn sóng đầu tư bất động sản xuất hiện tại huyện đảo này. Và nhiều nhà đầu tư lướt sóng đã có mặt để tìm kiếm cơ hội, khiến giá đất tại đây bị đẩy lên cao, tình trạng phân lô bán nền, mua bán sang tay diễn ra ồ ạt…

Đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm cũng bị mua bán, chuyển nhượng tràn lan. Giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất tăng vùn vụt và liên tục biến động từng ngày.

Nhiều chuyên gia đánh giá, việc dừng quy hoạch đặc khu gây ảnh hưởng đến giới đầu tư, đầu cơ bất động sản. Bởi thời gian qua, Phú Quốc đã quy tụ nhiều nhà đầu tư địa ốc đến từ nhiều nơi, họ đã “đổ” vào đây số tiền rất lớn để mua, gom đất với hi vọng có thể “đón đầu” quy hoạch đặc khu kinh tế.

Vì vậy, việc dừng quy hoạch đặc khu kinh tế Phú Quốc sẽ khiến giới đầu tư bị thiệt hại khi giá đất tại đây đã bị đẩy lên quá cao so với giá trị thực...

Những “ông lớn” địa ốc nào đang có mặt tại Phú Quốc?

Thời gian qua, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại Phú Quốc đang thu hút nguồn vốn đầu tư khổng lồ với sự tham gia của hàng loạt các “ông lớn” địa ốc như: Vingroup, Sun Group, BIM Group, CEO Group…

Hiện tại, Vingroup đang là nhà đầu tư lớn nhất tại Phú Quốc với tổng vốn đầu tư cam kết một tỷ USD (khoảng 22.000 tỷ đồng). Ông lớn bất động sản này đã  đầu tư gần 10 nghìn tỷ đồng xây biệt thự ven biển, căn hộ nghỉ dưỡng, dịch vụ vui chơi giải trí, y tế,… tại đảo Ngọc.

Sun Group cũng rót vào Đảo Ngọc số vốn đăng ký lên đến trên 8,6 nghìn tỷ đồng. Tập đoàn này đang xây dựng một số dự án Khu nghỉ dưỡng J.W Mariott, Ritz-Carlton Resort & Spa, Premier Village Phú Quốc Resort, The Sebel, hay dự án cáp treo dài nhất thế giới và quần thể Khu vui chơi giải trí biển tại Hòn Thơm…

BIM Group cũng đang tập trung đẩy mạnh đầu tư vào thị trường bất động sản Phú Quốc với số vốn khoảng 300 triệu USD giải ngân trong thời gian tới. Cụ thể tập đoàn này đã và đang đẩy mạnh đầu tư vào dự án trọng điểm Khu phức hợp du lịch Phú Quốc Marina (155ha) ở phía Tây đảo, cách sân bay quốc tế chừng 7km…

Trong khi đó, CEO Group cũng đang sở hữu 3 dự án với tổng diện tích khoảng 450 ha, qua đó CEO Group khẳng định vị thế là một trong những nhà đầu tư lớn nhất tại đảo ngọc Phú Quốc....

Hải Lan

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục