Vì sao người dân phản đối xây bệnh viện trong Khu đô thị Ngoại giao đoàn?

Bức xúc khi CĐT điều chỉnh quy hoạch không thông qua ý kiến của cư dân, ngày 12/5 vừa qua, hàng trăng cư dân Khu Ngoại giao đoàn đã tập trung căn băng rôn, phản đối việc điều chỉnh quy hoạch, xây bệnh viện trong khu đô thị.

Bệnh viện được “nhồi” vào KĐT thế nào?

Theo phản ánh của cư dân khu Ngoại giao đoàn, người dân đã đấu tranh kéo dài trong suốt 2 năm qua để phản đối việc điều chỉnh quy hoạch, xây dựng bệnh viện Ung bướu trong khu đô thị.

Theo đó, đại diện cư dân Ngoại giao đoàn cho biết, ngày 22/01/2010, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 368/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, Khu Ngoại giao đoàn. Theo quy hoạch này, Dự án Ngoại giao đoàn sẽ có tổng dân số khoảng 9700 người với các chỉ tiêu cụ thể về quy hoạch kiến trúc cụ thể.

Vì sao người dân phản đối xây bệnh viện trong Khu đô thị Ngoại giao đoàn? - Ảnh 1
Cư dân KĐT Ngoại giao đoàn căng băng rôn phản đối thay đổi quy hoạch dự án.

Tuy nhiên, ngày 22/5/2017, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2905/QĐ-QHKT về việc Phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu Ngoại giao đoàn tại Hà Nội – Tại các ô đất ký hiệu CC2, CC3-4, CC5, ĐMKT1 địa điểm phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Cụ thể tại các lô đất CC2 bị điều chỉnh tăng mật độ xây dựng từ 20.5% lên 40%. Lô CC3-4 tăng mật độ xây dựng từ 20.5% lên 35%, số tầng từ 5 tầng lên 1 tầng + 3 tầng hầm. Lô CC5 tăng từ 7 tầng lên 27 tầng + 3 tầng hầm, mật độ xây dựng tăng từ 30 lên 41%, dân số tăng thêm 1505 người. Lô ĐMKT1 chuyển từ đất đầu mối kỹ thuật (xây dựng trạm biến thế) sang đất xây bệnh viện ung bướu 12 tầng + 2 tầng hầm, mật độ xây dựng 40%.

Cư dân cho rằng, việc điều chỉnh quy hoạch này đã được thực hiện mà không có sự tham vấn ý kiến của các cư dân sinh sống tại Dự án Ngoại giao đoàn. Nếu việc điều chỉnh này được triển khai sẽ làm phá vỡ quy hoạch tổng thể của KĐT Ngoại giao đoàn, làm tăng mật độ xây dựng.

Vì sao người dân phản đối xây bệnh viện trong Khu đô thị Ngoại giao đoàn? - Ảnh 2
Quyết định điều chỉnh quy hoạch KĐT Ngoại giao đoàn.

Hiện tại dự án đã đang chịu sức tải rất lớn khi quanh đó ngay sát KĐT còn có một số tòa chung cư có quy mô lớn như tổ hợp chung cư 789 Thành An với 02 tòa, 27 tầng, 800 căn hộ, 2400 dân cư; tổ hợp dự án Kosmo với 3 tòa chung cư, cao từ 21-35 tầng, 648 căn hộ, cho khoảng gần 2000 dân. Ngoài ra, Chính phủ và Thành phố Hà Nội cũng đã và đang có kế hoạch chuyển các trụ sở một số Bộ, Ngành trung ương và các sở ban ngành của Hà Nội về khu vực Hồ Tây tiếp giáp với KĐT Ngoại giao đoàn.

Vì sao người dân phản đối?

Đại diện cư dân Ngoại giao đoàn phân tích, từ thực trạng trên có thể nhìn thấy rõ nguy cơ hiện hữu về sự gia tăng mật độ xây dựng, kéo theo mật độ dân cư, tạo áp lực lên hạ tầng giao thông đô thị quá tải gây tắc đường, thiếu hụt nghiêm trọng các công trình tiện ích xã hội như nhà trẻ, trường học, khu vui chơi giải trí, có nguy cơ phát sinh nhiều hệ lụy và thiệt hại xã hội mà rất khó có khả năng khắc phục.

Hơn nữa, theo tính toán của người dân, việc điều chỉnh này đã khiến quy mô dân số của khu Ngoại giao đoàn đã tăng từ 9700 người lên hơn 20.000 người, chưa kể 4400 dân của 2 dự án tiếp giáp.

Trong khi đó, theo quy hoạch điều chỉnh, tại khu đất số ĐMKT1 sẽ xây dựng Bênh viện Ung bướu quốc tế Việt Nam - Nhật Bản với quy mô 100 giường nội trú và quy mô khám, điều trị cho bệnh nhân ngoại trú tương đương 250 giường.

Đáng chú ý, mặc dù đến tháng 5/2017 mới có quyết định điều chỉnh quy hoạch, nhưng trước đó 2 tháng, vào ngày 02/3/2017 lễ động thổ bệnh viện u bướu đã diễn ra long trọng.

“Chúng tôi đặt câu hỏi về tính minh bạch của việc xây dựng bệnh viện trước khi quy hoạch điều chỉnh được phê duyệt. Việc xây dựng bệnh viện ung bướu (nếu được triển khai) ngay trong lòng một khu đô thị hàng chục nghìn dân, giữa các Đại sứ quán các nước, ngay sát khu xử lý nước thải cho toàn bộ Dự án KĐT Ngoại giao đoàn tiềm ẩn các nguy cơ mất an toàn, vệ sinh cho chính bệnh viện cũng như nguồn nước sau xử lý của toàn khu, gây ra nguy cơ lây nhiễm chéo giữa bệnh viện, nguồn nước ngầm của toàn thành phố, hệ thống hồ điều hòa của KĐT”, cư dân bức xúc.

Vì sao người dân phản đối xây bệnh viện trong Khu đô thị Ngoại giao đoàn? - Ảnh 3
Sơ đồ quy hoạch ban đầu của KĐT Ngoại giao đoàn.

Bên cạnh việc điều chỉnh quy hoạch, cư dân KĐT Ngoại giao đoàn cũng tố chủ đầu tư không cấp sổ đỏ cho dân, cư dân hàng chục tòa, có tòa về ở 3,4 năm nay vẫn chưa có sổ đỏ, trong khi 100% tiền đã đóng.

Hạ tầng cơ sở trong khu đô thị kém, đường không thông, đèn đường và các hạ tầng công cộng kém, khiến cho nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra.

Ngoài ra, nhiều tòa nhà không được nghiệm thu PCCC do CĐT tự ý điều chỉnh thiết kế. Nhiều tòa chưa có chứng nhận PCCC đã đưa vào sử dụng, rất nguy hiểm…

Trước đó, vào ngày 10/5/2019, chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Ngoại giao đoàn - Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) đã có buổi đối thoại với cư dân KĐT Ngoại giao đoàn. Nội dung cuộc đối thoại chủ yếu nhằm giải quyết các kiến nghị của cư dân liên quan đến việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết KĐT này.

Tại buổi đối thoại, Hancorp đã đồng thuận theo phần lớn các kiến nghị của cư dân, bao gồm cam kết về việc thay đổi quy hoạch dự án, đẩy nhanh triển khai các hạng mục hạ tầng xã hội và giải quyết dứt điểm cấp sổ đỏ trong năm 2019.

Tuy nhiên, lo ngại CĐT “thất hứa” và phá vỡ cam kết nên ngày 12/5, hàng trăng cư dân KĐT Ngoại giao đoàn đã tập trung căn băng rôn, phản đối việc điều chỉnh quy hoạch, xây bệnh viện trong khu đô thị và yêu cầu CĐT thực hiện các cam kết, đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Được biết, Khu đô thị Ngoại giao đoàn nằm ở phía Tây Hồ Tây, thuộc xã Xuân Đỉnh, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Tổng diện tích đất nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chi tiết khoảng 62,8ha gồm khu biệt thự đơn lập, khu Đại sứ quán, khu chung cư Ngoại giao đoàn và các công trình công cộng TDTT. Quy mô dân số toàn khu là 9700 người.

Dự án chung cư Ngoại giao đoàn gồm 4 khu N01, N02, N03, N04. Toàn khu căn hộ chung cư gồm 23 tòa có chiều cao từ 21 đến 45 tầng. Tòa chung chư đầu tiên được hoàn thiện và bàn giao cho khách hàng vào Quý 3/2015.

Hải Lan

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục